Vào cuối tháng 1, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả công tác an toàn thực phẩm năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Tại hội nghị, ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP đang có hơn 66 nghìn cơ sở thực phẩm. Trong năm 2017, TP Hà Nội đã triển khai quyết liệt, bài bản, đồng bộ các hoạt động về ATTP và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Cụ thể, đã xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đảm bảo ATTP. Các mô hình về đảm bảo ATTP trên địa bàn các quận, huyện, thị xã được duy trì một cách hiệu quả. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác ATTP thức ăn đường phố và duy trì mô hình điểm thức ăn đường phố tại tuyến phố Núi Trúc, quận Ba Đình và phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Việc thí điểm các mô hình ATTP cũng được thực hiện rộng rãi, bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Đặc biệt, ngành y tế Hà Nội đã đẩy mạnh việc quản lý ATTP tại các chợ đầu mối. Phát triển mô hình quản lý thực thẩm theo chuỗi thông qua các chương trình, đề án. Hiện tại, trên địa bàn đã hình thành và phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao với 157 cánh đồng mẫu lớn ở 14 huyện; 5.500 ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.232 trang trại ngoài khu dân cư; 25 vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung (1.690 ha); duy trì 60 chuỗi liên kết ATTP. Đặc biệt, mô hình ATTP theo chuỗi còn được thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh triển khai thực hiện.
Tính tới thời điểm hiện tại, Hà Nội có 38 cơ sở sơ chế rau an toàn cũng là 48 chuỗi tiêu thụ rau an toàn theo liên kết dọc; 100% số chuỗi được từ 2 đến 4 đơn vị thực hiện; có 9/48 chuỗi tự tổ chức sản xuất rau, tiêu thụ, không thu gom, 23/48 chuỗi vừa sản xuất, vừa thu gom và 16/48 chuỗi chỉ thu gom, không sản xuất rau.
Tuy nhiên, lượng rau an toàn có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, mới chỉ được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng rau an toàn và 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng. Trong khi đó, rau an toàn chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng 370.000 tấn/năm chiếm 92,5% sản lượng rau an toàn và 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, Hà Nội đã thành lập 817 đoàn thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm. Qua kiểm tra, hơn 111 nghìn lượt cơ sở, cơ quan chức năng phát hiện hơn 23 nghìn lượt cơ sở có vi phạm, trong đó có 7.221 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 38 tỷ đồng. Thành phố cũng đưa vào sử dụng có hiệu quả 3 xe kiểm nghiệm nhanh trong các đợt thanh, kiểm tra chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đã xét nghiệm hơn 1.100 mẫu, trong đó có 85 mẫu dương tính, gồm các mẫu rau, củ quả có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thịt gia súc có chất tạo nạc, thực phẩm ăn ngay có hàn the, gia cầm dương tính với kháng sinh...
Với sự tích cực vào cuộc của cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nhận thức và việc tuân thủ quy định ATTP của các nhà sản xuất, các hộ kinh doanh thực phẩm đã được nâng cao. Kiến thức thực hành về ATTP tăng so với năm 2016.
Năm 2018, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và cần quyết liệt hơn trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã cần kiểm soát chặt thực phẩm lưu thông trên thị trường, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đưa vào Hà Nội. Hà Nội đã huy động 5 xe kiểm nghiệm ATTP lưu động hoạt động hết công suất phục vụ kiểm nghiệm thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết nhằm đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!