Nhiều người dân, tiểu thương bức xúc trước tình trạng thu phí tại chợ Quý Cao.
Thời gian gần đây, người dân cũng như tiểu thương xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương bức xúc trước tình trạng thu phí tại chợ Quý Cao. Nhiều người dân phản ánh, họ đang phải chịu mức phí chợ cao theo kiểu áp đặt, bên cạnh đó, các khoản phí không được công khai minh bạch.
Để có được thông tin sát với thực tế, phóng viên đã thâm nhập ngôi chợ, tìm hiểu các vấn đề khiến cho nhiều tiểu thương bức xúc lâu nay. Kết quả cho thấy, phản ánh của người dân hoàn toàn có căn cứ, các khoản phí thu tại chợ đều cao gấp 2 - 3 lần so với quy định. Theo quyết định Số 14/2012/QĐ-UBND tỉnh Hải Dương quy định, mức phí vào chợ bán hàng cao nhất không quá 4.000 đồng/lượt, nhưng thực tế, nhiều tiểu thương vẫn phải chịu mức phí 10.000 - 15.000 đồng/lượt.
Theo một số tiểu thương, Ban Quản lý chợ không chỉ thu phí cao khu vực bên trong, mà khu vực ngoài cổng, ven đường cách chợ hàng trăm mét không thuộc địa phận quản lý chợ, người buôn bán vẫn phải nộp phí. Điều đáng nói, đối tượng nộp phí không được cung cấp biên lai thu phí, tại chợ cũng không có bảng niêm yết hoặc thông báo công khai mức phí theo quy định.
Nói về điều này, chị Trần Thị M - người bán hàng tại chợ bức xúc chia sẻ: “Tôi thấy khoản thu phí tại chợ rất vô lý, mức phí vào chợ bán hàng quá cao, trong khi các mặt hàng chủ yếu là hàng nông sản có giá trị thấp. Đã có nhiều người ý kiến về khoản phí vào chợ nhưng họ nói là quy định chung, ai cũng phải nộp như vậy. Nhiều lần ý kiến, phí không được giảm nên người buôn bán tại chợ đành nộp theo mức phí họ đặt ra”.
Các mặt hàng tiểu thương buôn bán tại chợ chủ yếu là nông sản.
Cùng tâm trạng bức xúc, một tiểu thương khác xin được giấu tên nói: “Chúng tôi biết phải nộp phí chợ thế này là cao, nhưng không biết làm cách nào để được giảm. Các khoản phí ở đây là do họ áp đặt, nếu nộp đủ phí hàng do họ đề ra sẽ được buôn bán tại chợ, nếu không sẽ bị đuổi, không cho bán hàng trong chợ”.
Để làm rõ vấn đề khiến nhiều tiểu thương bức xúc, phóng viên đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương, cụ thể là UBND xã Nguyên Giáp. Tại buổi làm việc, ông Bùi Viết Tuấn - Chủ tịch UBND xã cho biết, mấy năm trở lại đây, chính quyền xã không trực tiếp đứng ra quản lý mà giao thầu cho gia đình bà Nguyễn Thị Vân, người dân tại phố Quý Cao đứng ra quản lý và thu phí chợ. Tuy nhiên, chính quyễn xã vẫn thường xuyên giám sát hoạt động chợ.
Nhưng thực tế cho thấy, hai từ “giám sát” lại không như ông Tuấn nói. Chợ Quý Cao cách trụ sở UBND xã Nguyên Giáp không xa, nhưng tình trạng thu phí cao, thu phí sai diễn ra trong thời gian dài, gây bức xức cho người dân cũng như tiểu thương.
Ngoài ra, hình thức bà Vân tiếp nhận quản lý chợ là được chính quyền xã chỉ định thầu, không qua đấu thầu công khai. Lý giải về điều này, ông Bùi Viết Tuấn cho biết: “Chúng tôi thấy gia đình bà Nguyễn Thị Vân có hoàn cảnh khó khăn nên đã tạo điều kiện và chấp thuận giao thầu, không tổ chức đấu thầu”.
Cũng theo ông Tuấn, số tiền xã ký hợp đồng giao thầu chợ Quý Cao với gia đình bà Nguyễn Thị Vân là 40 triệu/năm, khoản thu trên được nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị xã cho xem các chứng từ liên quan tới việc thu chi, cũng như các bản báo cáo tài chính trình HĐND xã, thì ông Tuấn nói là kế toán xã đi vắng nên chưa thể cung cấp số liệu về khoản thu chi trên.
Phỏng vấn Chủ tịch UBND xã Nguyên Giáp, ông Bùi Viết Tuấn
Về vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu gia đình bà Nguyễn Thị Vân gặp khó khăn thực sự và được người dân thông cảm thì việc chỉ định thầu có thể chấp nhận, tuy nhiên, chính quyền xã phải có sự giám sát chặt chẽ để việc thu phí được diễn ra minh bạch.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như tiểu thương buôn bán, thiết nghĩ UBND huyện Tứ Kỳ và tỉnh Hải Dương cần sớm vào cuộc tìm hiểu rõ việc thu chi tại chợ Quý Cao từ đó, có hình thức xử phạt đối với cá nhân, tập thể sai phạm nếu có.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!