Miêu tả về sự việc đau lòng trên, tờ Lao động đã có bài viết "Tiếc thương những hiệp sĩ đường phố", kể về những mảnh đời hiệp sĩ, mỗi thành viên trong đội tuy mỗi cảnh đời khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích cao đẹp là bảo vệ tài sản, tính mạng cho người dân.
Tiếc thương cho sự hy sinh, người ta không thể không đặt câu hỏi về sự an toàn cho các hiệp sĩ sau vụ tấn công dã man, lạnh lùng của những tên trộm trên địa bàn TP.HCM.
Trên báo Sài Gòn Giải Phóng, đã có bài "Phải có biện pháp bảo vệ các hiệp sĩ đường phố". Trong khi đó, báo Nông thôn ngày nay đặt câu hỏi "Hiệp sĩ bảo vệ dân, ai bảo vệ hiệp sĩ?".
Theo báo Tiền Phong, hiện nay cả nước chỉ có tỉnh Bình Dương là có mô hình "Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm" hoạt động có tổ chức, có quy định chức năng, quyền hạn. Được chính quyền địa phương công nhận, quản lý bằng các quyết định. Ngoài ra, hiện nay luật cũng chưa quy định cơ chế, chức năng, quyền hạn, chính sách cho lực lượng "hiệp sĩ đường phố".
Trong một góc nhìn khác, tờ Người lao động đặt câu hỏi: "Hiệp sĩ: Cần hay không?". Theo tác giả bài viết, nếu không cần thì kiên quyết giải tán để trả lại cuộc sống đời thường cho họ và gia đình họ. Đồng thời phải nhanh chóng xây dựng cho được một lực lượng công an, cảnh sát, an ninh thực sự mạnh bảo đảm cuộc sống yên lành cho người dân. Còn nếu nhận thấy không đủ sức làm được, còn cần đến lực lượng này thì phải có thái độ ứng xử, chính sách rõ ràng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!