Hiện trường vụ các hiệp sĩ bắt nhóm trộm xe Sh tại TP.HCM hôm 13/5.
Một tuần đã trôi qua với nhiều cảm xúc khi nhắc đến các hiệp sĩ, những người mà trước nay vốn quen được gọi là người hùng, chứ không phải là nạn nhân.
Tuy nhiên, đáng buồn là chỉ đến khi có những người ngã xuống, người ta mới tranh luận, mổ xẻ về 2 chữ "hiệp sĩ".
Theo khái niệm sách vở, hiệp sĩ là những chiến binh thời Trung cổ được đào tạo bài bản, được tước phong, trang bị áo giáp, ngựa và vũ khí để chống lại quân thù. Nhưng đến thời hiện đại, hiệp sĩ chỉ còn mang ý nghĩa danh dự, tuy nhiên, đó là chuyện ở phương Tây.
Còn ở Việt Nam, để vẽ lên một "hiệp sĩ", đơn giản là chỉ cần lược đi tất cả những yếu tố trên: không đào tạo, không tước phong, không áo giáp, không phương tiện, không vũ khí. Cũng là bởi về mặt pháp lý, khái niệm "hiệp sĩ" còn không tồn tại.
Nếu nói về việc toàn dân phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự cũng không hẳn là không có các đơn vị quần chúng đã được giao thực hiện nhiệm vụ này.
Điển hình là lực lượng dân phòng nhưng cũng chưa thấy có mấy cán bộ dân phòng được người dân trìu mến gọi là "hiệp sĩ". Thứ người ta tranh luận nhiều hơn về lực lượng này lại là về quyền hạn và tính hiệu quả.
Chính vì vậy việc phải xây dựng khung pháp lý cho mô hình hiệp sĩ hoạt động và bảo vệ họ dĩ nhiên là cần thiết. Nhưng quan trọng nhất vẫn là làm sao gìn giữ và lan tỏa được thứ cốt lõi là tinh thần hiệp sĩ. Bởi đây mới thực sự là thứ đang vơi đi trong xã hội hiện đại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!