Dù miền Bắc đang trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ cao nhất lên đến 40 độ C nhưng các lò đốt tại làng nghề đúc gang Mỹ Đồng (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) vẫn luôn đỏ lửa. Thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong ngày (12h - 14h30), khắp từ làng trên xóm dưới, mọi ngóc ngách đâu đâu cũng rầm rập tiếng động cơ hoạt động.
Làng nghề đúc gang Mỹ Đồng tồn tại hơn 100 năm nay. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng nghề ngày càng phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Đến nay, tại đây có hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động với đa dạng sản phẩm, từ sản phẩm để trang trí đến những sản phẩm phục vụ tiêu dùng như bếp nướng, nắp bếp ga… Nhiều mặt hàng đúc, cơ khí đạt chất lượng cao, cung cấp cho ngành đóng tàu, lắp ráp xe máy, cơ khí chính xác như chân vịt tàu thủy, vỏ mô tơ điện, máy bơm...
Nếu như nhiệt độ ngoài trời gần 40 độ C thì nơi những người lao động đang mải miết đốt lò ra sản phẩm, nhiệt độ lên tới gần 50 độ C.
Gương mặt ai cũng ướt đẫm mồ hôi, nhưng họ vẵn thoăn thoắt đưa những khối gang đã nung chảy đổ vào khuôn để ra sản phẩm.
Từ chiếc mũ đến áo mặc đều ướt sũng.
Chủ cơ sở này cho biết, nhiệt tan chảy để nung được gang khoảng 1.800 độ C, nhiệt bốc bay khoảng hơn 2.000 độ C. Nếu như nhiệt độ từ ngay cửa vào nhà xưởng là 38 độ C thì tại nơi các công nhân đang đốt lò, nhiệt độ phải lên tới gần 50 độ C.
Những người làm công việc này đều là nam giới, họ dường như trở thành "khắc tinh" của cái nóng vì dù nhiệt độ khắc nghiệt nhưng họ vẫn không một phút ngừng tay chân, không khí làm việc luôn sôi nổi bởi những tiếng cười nói rôm rả để quên đi cái nóng.
Cũng theo chủ cơ sở này, để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, mỗi ngày lò đốt khoảng 3 tiếng đồng hồ, mỗi ca có 2 người đổ gang trong khoảng nửa giờ. "Tối kỵ nhất tại xưởng của tôi là tai nạn lao động. Chúng tôi luôn đảm bảo sức khỏe cho công nhân vì bên bộ phận đúc gang rất tốn sức", chủ cơ sở này nói.
Nếu như trước đây, sản phẩm của cơ sở này chủ yếu xuất khẩu đi các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Đức... thì nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cũng như công ăn việc làm cho công nhân, chủ cơ sở chuyển sang sản xuất các mặt hàng tiêu thụ trong nước và chọn thị trường chủ yếu là TP.HCM. Anh cho biết, qua nhiều năm làm việc tại TP.HCM, anh rất hiểu thời tiết cũng như địa hình ở đây mùa này thường xuyên gặp cảnh ngập lụt nên cơ sở của anh sản xuất máy bơm, mô tơ để cung cấp cho thị trường tiềm năng này..
Tại xưởng đúc gang Hằng Hạnh (Cụm công nghiệp Kiền Bái, xã Kiền Bái, Thủy Nguyên, Hải Phòng), khi nhiệt độ ngoài trời ở lúc đỉnh điểm, hơn 10 công nhân cũng đang tập trung làm việc quanh lò đúc gang. Mẻ gang tan chảy vừa ra lò được những người công nhân mang đổ vào khuôn, ánh lửa đỏ phản chiếu lên gương mặt thợ, đỏ rực.
Quần áo ướt sũng vì mồ hôi túa ra như tắm, ông Thường (Thủy Nguyên, Hải Phòng) bảo, ông gắn bó với nghề này được hơn 1 năm nay. Ở xưởng này có những người gắn bó hơn 10 năm. Công việc vất vả nhưng là nguồn mưu sinh của ông cũng như rất nhiều người khác ở xã Mỹ Đồng, xã Kiền Bái nói riêng và những xã lân cận của huyện Thủy Nguyên nói chung.
Quần áo ướt sũng vì mồ hôi túa ra như tắm, ông Thường (Thủy Nguyên, Hải Phòng) bảo, ông gắn bó với nghề này được hơn 1 năm nay. Ở xưởng này có những người gắn bó hơn 10 năm. Công việc vất vả nhưng là nguồn mưu sinh của ông cũng như rất nhiều người khác ở xã Mỹ Đồng, xã Kiền Bái nói riêng và những xã lân cận của huyện Thủy Nguyên nói chung.
Dù phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt nhưng họ vẫn gắn bó với nghề, vẫn cố gắng từng phút để kịp tiến độ cho ra sản phẩm.
Sau ánh lửa bập bùng, gương mặt ai cũng lấm lem bụi bẩn và ướt đẫm mồ hôi.
Thợ đúc gang tranh thủ nghỉ ngơi bên cạnh chiếc quạt công nghiệp nhưng cũng không thể làm giảm đi cái nóng hầm hập ở khu vực này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!