Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 43 vụ ngừng việc tập thể tự phát với sự tham gia từ hàng chục đến hàng nghìn lao động. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc này là do một số DN chưa trả, chậm tăng lương tối thiếu hoặc cắt giảm phụ cấp. Điều này cho thấy, nếu không lập thỏa ước lao động tập thể tại các DN sẽ rất khó hạn chế các vụ ngừng việc tập thể tự phát khi xảy ra tranh chấp.
Nâng lương tối thiểu thêm 200.000đ/tháng nhưng lại cắt giảm một số khoản hỗ trợ, phụ cấp, không giải thích, thông báo rõ ràng tại các phân xưởng là nguyên nhân làm cho 3.000 lao động tại Công ty may HAIVINA ngừng việc tập thể.
Ngay từ khi các công nhân tụ tập, không chịu vào nhà máy, đại diện Công đoàn tỉnh Nghệ An có mặt và ghi nhận 24 đề xuất từ phía công nhân; chủ động đại diện đàm phán cùng chủ doanh nghiệp.
Sau đàm phán, công ty cam kết tăng lương tối thiểu đúng quy định, không cắt giảm phụ cấp và không buộc lao động làm thêm sau khi hết ca, tất cả được ghi nhận thành thỏa ước lao động tập thể. Sau 1 ngày rưỡi đàm phán, toàn bộ công nhân đã trở lại làm việc.
Từ sau kỳ nghỉ Tết đến nay, một số vụ ngừng việc tập thể xảy ra đều có điểm chung là do các doanh nghiệp chậm thực hiện tăng lương tối thiểu vùng như tại Long An, trong 4 ngày, liên tiếp xảy ra 3 vụ ngừng việc tập thể vì lý do trên.
Chỉ chậm lương vài ngày, cắt giảm, chuyển vài chục, vài trăm nghìn đồng trợ cấp, phụ cấp có thể bùng phát thành ngừng việc tập thể.
Hầu hết các vụ ngừng việc từ đầu năm đến nay được xử lý nhanh phải khẳng định vai trò Công đoàn đang là điểm tựa giải quyết tranh chấp quan hệ lao động.
Thay bằng cách phương thức tiếp cận, giải quyết theo kiểu nghe ngóng, chờ chỉ đạo, công đoàn địa phương đã chủ động, coi đây là trách nhiệm của mình, giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng, cân bằng quyền lợi của hai phía. Tuy nhiên, quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi của người lao động, không để ngừng việc kéo dài, gây tổn thất cho doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!