10 ngày tới được cho là giai đoạn có tính chất quyết định đối với sự thành bại của cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam bởi một khi số ca mắc đã vượt con số 100 thì thời gian để nó tăng lên 200 - 400 và nhiều hơn thế nữa là rất ngắn.
Trong lúc này, một trong những giải pháp quan trọng nhất để phòng dịch lây lan đó là "hạn chế tiếp xúc xã hội". Đây là khái niệm được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông và được Chính phủ nước ta cũng như nhiều nước khuyến cáo thực hiện.
Về cơ bản, hạn chế tiếp xúc xã hội nghĩa là nên ở nhà, giữ một khoảng cách cụ thể giữa bạn và mọi người xung quanh, không tụ tập đông người, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng. Biện pháp này đã được áp dụng hiệu quả trong đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 và tại thành phố Mexico trong đại dịch cúm 2009.
Để hiểu rõ hơn vì sao nó lại hiệu quả, mời quý vị xem đoạn video được một kỹ sư đồ họa Tây Ban Nha thiết kế:
Hạn chế tiếp xúc xã hội để phòng chống dịch COVID-19
Theo một nghiên cứu của SingerLab, một người nhiễm bệnh sau 5 ngày có thể lây cho 2,5 người. Và sau 30 ngày, số người bị nhiễm bệnh có thể bùng phát lên 406 người. Nhưng nếu người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, giảm thiểu nguy cơ phơi nghiễm khoảng một nửa thì sau 5 ngày số người bị lây nhiễm chỉ còn 1,25. Sau 30 ngày, số người bị lây nhiễm là 15.
Bởi vậy mà biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội đã và đang được nhiều nước thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Các nhà lãnh đạo, chính trị gia từ châu Á tới châu Âu cũng đã thay đổi thói quen bắt tay xã giao bằng hình thức chào hỏi mới. Thậm chí, trong tranh luận tại bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ tại Mỹ, để lựa chọn ứng viên tranh cử Tổng thống, hai ứng viên Joe Biden và Bernie Sanders cũng đứng cách nhau 6m. Trong khi đó, các vận động viên của nhiều môn thể thao, từ cờ vua tới bóng đá cũng nhanh chóng thực hiện biện pháp này.
Còn với người dân, nhiều biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội cũng đã được thực hiện nhiều nơi trên thế giới như bố trí các ghế ngồi cách xa nhau trong nhà hàng hay giao hàng gián tiếp cho thực khách thông qua hệ thống băng chuyền.
Một số thương hiệu quen thuộc trên thế giới cũng đã tạm thay đổi logo và câu khẩu hiệu của mình để khuyến khích việc hạn chế tiếp xúc xã hội. Như chi nhánh thương hiệu đồ ăn nhanh Mc Donald tại Brazil đã thay đổi logo trên trang Twitter tách xa 2 phần của chữ M so với logo truyền thống cùng với thông điệp tạm dịch là "Xa nhau một khoảnh khắc để được ở bên nhau mãi".
Còn thương hiệu nước ngọt Coca-Cola cũng đã thay đổi logo trên quảng cáo của mình tại Quảng trường Thời Đại ở New York, Mỹ. Các chữ cái cũng được tách xa nhau, kèm theo đó là dòng chữ tạm dịch là "Giữ khoảng cách là cách tốt nhất để được kết nối".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!