Hạn mặn ớ Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt đợt hạn kỷ lục năm 2016

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 15/03/2020 10:21 GMT+7

VTV.vn - Tại các địa phương thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, cuộc chiến chống hạn mặn ở được xác định với tinh thần như dập dịch COVID-19.

Xâm nhập mặn đang đe dọa Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó 5 tỉnh là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai. Đây là vấn đề nóng trên mặt báo tuần này nhất là khi mà hạn mặn tấn công ngay cao điểm chính quyền và người dân vùng đất này đang nỗ lực tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Hạn xâm nhập mặn năm nay được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Nếu như đợt hạn, mặn năm 2016, nước mặn lần đầu tiên tiến tới cảng Cái Cui (Cần Thơ) - cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) trên 100km, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long nước mặn mới vào tới trung tâm tỉnh lỵ thì hạn, mặn năm 2020 tình hình trầm trọng hơn nhiều. Vựa lúa gạo lớn nhất cả nước đang đối mặt với thách thức lớn.

Tại Tiền Giang, thủ phủ của cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng chục ngàn ha cây trồng đã và đang thiếu nước trầm trọng. Tại Kiên Giang, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu và gay gắt hơn so với nhiều năm trước. Tương tự, Tây Nguyên cũng đang đối mặt với hạn nặng. Tuy chỉ mới bắt đầu bước vào mùa khô nhưng hàng loạt hồ, đập ở Tây Nguyên đã cạn kiệt. Suốt nhiều tháng qua Tây Nguyên không có mưa nên nước trên các sông lớn như Krông Ana, Krông Búk thiếu hụt từ 50-70% so với trung bình nhiều năm.

Theo tờ Lao động, chỉ riêng 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, dù đang có đến gần 1.000 công trình thủy lợi nhưng nếu trời tiếp tục không mưa và chính quyền không có những biện pháp can thiệp, sẽ rất khó "cứu" được hàng nghìn ha hoa màu khi mùa khô hạn bước vào thời kỳ cao điểm… rất có thể hàng trăm, thậm chí nghìn ha cà phê, cao su, hồ tiêu… sẽ héo khô.

Trước dự báo khô hạn năm nay sẽ phức tạp hơn năm 2016, từ giữa năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, mặn. Do có chỉ đạo cấy sớm vụ đông xuân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên đã tới 93% diện tích lúa đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tránh hạn và né mặn thành công. Đây là kết quả kể đáng ghi nhận nhưng không thể chủ quan, vì hiện vẫn chưa phải cao điểm của đợt hạn. Bởi vậy ngay từ bây giờ, việc chống hạn phải được các địa phương trong vùng xác định với tinh thần như dập dịch COVID-19.

Trong chuyến công tác tại chỉ đạo công tác chống hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải tập trung giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt.Thủ tướng cũng đã đồng ý chi cho 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp mỗi tỉnh 70 tỉ đồng để ứng phó với tình trạng hạn, mặn.

Theo tờ Người lao động, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương làm mọi cách để đưa nước ngọt về với người dân. Tỉnh Kiên Giang sẽ tiến hành thổi rửa các giếng khoan sẵn có đồng thời nâng cấp sửa chữa hệ thống các trạm cấp nước tại các xã đảo để đảm bảo khả năng cung cấp nước ngọt cho dân. Còn Tiền Giang đã thống nhất phương án cung cấp 30 nghìn m3 nước để giải cứu cây sầu riêng.

Hạn, mặn xâm nhập Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp, bất thường. Và không ngồi bó tay, người dân và chính quyền nhiều địa phương đã chủ động thích ứng bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ vậy đã góp phần làm giảm thiểu thiệt hại.

Tình trạng hạn mặn được dự báo là sẽ còn trầm trọng trong những ngày tới. Thế nên chuyển đổi sinh kế tiếp tục là vấn đề thời sự ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thực tế câu hỏi "trồng cây gì, nuôi con gì?" đã lòng vòng cho đến khi xác định phải là mô hình cây lúa - con tôm mới hiệu quả thì đã mất nhiều năm cơ hội. Những bất cập nhận diện được từ trong bối cảnh khó khăn, để từ đó sẽ có những chính sách chính xác và kịp thời hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước