Người dân Bến Tre thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn mặn bủa vây

P.V-Thứ năm, ngày 12/03/2020 17:00 GMT+7

VTV.vn - Là tỉnh đầu tiên phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn, người dân Bến Tre đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nước ngọt trên diện rộng...

Đáng lo hơn, nguồn nước đưa vào các nhà máy cấp nước hiện nay đều đã bị nhiễm mặn.

Người dân Bến Tre thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn mặn

Sống ở khu vực từng được coi là vùng sông nước mênh mông, bao la trù phú, thế nhưng người dân ĐBSCL đang phải chịu cảnh thiếu ngọt trên diện rộng, từ nước dùng cho sản xuất, đến nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng hạn mặn khốc liệt ở miền Tây đã khiến cho 5 tỉnh, gồm Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang và Cà Mau, phải công bố tình huống khẩn cấp. Trong đó, Bến Tre là tỉnh đầu tiên phải công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn khi toàn bộ tỉnh đã bị nước mặn xâm nhập. Hệ quả là hàng chục nghìn hộ dân phải sử dụng nước mặn vì nguồn nước đưa vào các nhà máy cấp nước đều đã nhiễm mặn.

Người dân Bến Tre thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn mặn bủa vây - Ảnh 2.

Bến Tre là tỉnh đầu tiên công bố tình huống khẩn cấp về hạn mặn

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, TP Bến Tre, cho biết: "Giờ toàn nước mặn. Mọi năm vẫn có nước ngọt, năm nay nước mặn từ hồi Tết, mua nước suối xài cũng không có. Rất là hiếm". Theo đó, người dân nơi đây hàng này phải sang tỉnh khác để mua nước ngọt về dùng và san sẻ với những người hàng xóm. Chẳng nhiều nhặn gì, nhưng những giọt nước ngọt như cứu lấy cả khu phố. 

Ông Lê Văn Lưu, một người dân sinh sống tại TP Bến Tre, chia sẻ: "Thấy bà con ở đây nước sinh hoạt không có, mình đi mua về dùng dư rồi thì chia mỗi nhà một ít". Cũng sống tại TP Bến Tre, bà Lê Thị Phương Nga cho biết: "Ngày xưa người ta nói tấc đất tấc vàng, còn bây giờ phải nói một giọt nước là một giọt vàng vì không có nước đủ để uống ăn chứ đừng nói đến việc sinh hoạt".

Người dân Bến Tre thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn mặn bủa vây - Ảnh 3.

Người dân Bến Tre phải mang can đi xếp hàng mua nước ngọt với giá cao

Quả thật, nước ngọt đối với người dân TP Bến Tre ở thời điểm hiện tại còn quý hơn vàng bởi dù chấp nhận mua với giá 200.000 đồng/m3 thì cũng chẳng có đủ nguồn cung để mà mua. Nhiều người còn phải mua nước sông chở về từ vùng khác với giá 5.000 đồng/can. Dù biết nước sông chẳng đảm bảo an toàn nhưng người dân vẫn chấp nhận mua bởi giờ đây có nước ngọt đã là điều quý giá.

Theo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, đơn vị có 5 nhà máy nước phục vụ cho khoảng 80.000 khách hàng. Hiện nay, trừ nhà máy nước Chợ Lách, 4 nhà máy còn lại của công ty phải lấy nước mặn từ sông, hồ tại chỗ. Dù đơn vị đã chủ động đầu tư một trạm lấy nước ngọt ở thượng nguồn sông Ba Lai nhưng khi hoà vào hệ thống cũng không đủ giảm bớt độ mặn.

Từ phía chính quyền, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, nhận định rằng vấn đề nguồn nước là điều rất quan trọng đối với tỉnh Bến Tre bởi xâm nhập mặn năm nay đến sớm, không chỉ diễn ra trên diện rộng với mức độ gay gắt và không có hiện tượng rút do nước từ thượng nguồn chảy về rất ít.

Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Bến Tre, trong thời gian tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, xâm nhập sâu và duy trì ở mức rất cao. Hạn mặn bủa vây, người dân Bến Tre có lẽ sẽ phải trải qua một mùa khô mặn đắng nhất lịch sử.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước