Mới đây nhất là vụ bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở kinh doanh tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo đó, những con tôm chết vớt từ đầm lên đã ươn, nhiều con trắng bệch, rụng đầu nhưng lại được chủ cơ sở bơm tạp chất và đưa ra thị trường tiêu thụ.
Tinh vi hơn các gian thương khác, cơ sở này còn tự chế tạo một hệ thống bơm áp lực với 6 vòi phun để bơm tạp chất, thay cho cách dùng xi lanh truyền thống. Cứ 10kg tôm chết qua tay cơ sở này, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm tiền cho 1kg tạp chất mà không hề hay biết.
Tôm bị bơm tạp chất tại một cơ sở kinh doanh xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trước đó, bất ngờ tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến gân trâu, gân bò trên địa bàn xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện toàn bộ số gân trâu, gân bò của cơ sở đều được thu gom trôi nổi từ các lò mổ. Để chống mốc và tẩy trắng, tạo bề ngoài bắt mắt, chủ cơ sở sử dụng một hóa chất công nghiệp có xuất xứ nước ngoài.
Gân trâu, gân bò trôi nổi được tẩy trắng bằng hóa chất công nghiệp có xuất xứ nước ngoài.
Trong khi đó, một cuộc thanh tra đột xuất của Cục Cảnh sát Môi trường, Bộ Công an tại cơ sở sản xuất xúc xích ở Thái Bình đã phát hiện ra các sản phẩm xúc xích lợn, bò gắn mác tiệt trùng của cơ sở này thực chất được sản xuất theo một quy trình rất mất vệ sinh với các loại thịt lưu trữ trong kho lạnh hôi thối đến 9 tháng cùng hơn 10 loại phụ gia, hương liệu, phẩm màu.
Số sản phẩm xúc xích lợn, bò không an toàn được lực lượng chức năng phát hiện tại một cơ sở ở Thái Bình.
Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, ý thức của chính những người kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất. Không một lực lượng nào có thể kiểm soát được hết nếu vẫn còn những người kinh doanh không có lương tâm, không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, ham lợi trước mắt mà làm liều, gây ảnh hưởng, thậm chí là nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!