Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phát biểu trong phiên họp lần thứ tư năm 2012 (Ảnh: KT)
Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một trong những nội dung cơ bản quan trọng của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như các các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp quan tâm, đó là sự tách bạch hơn quyền con người với quyền công dân.
Đã có 4 Hiến pháp được ban hành suốt 66 năm qua, kể từ khi nước Việt Nam mới ra đời, qua mỗi lần sửa đổi Hiến pháp cho phù hợp với sự phát triển đi lên của đất nước, nội dung sửa đổi luôn bám sát tiêu chí đảm bảo quyền con người tốt hơn. Trong lần sửa đổi Hiến pháp 1992 này, sẽ bổ sung một số quy định về quyền con người phù hợp với quan điểm của Đảng: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”.
Theo luật sư Lê Đức Tiết, cho dù Hiến pháp năm 1992 quy định “công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và các tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác” - đây là bước tiến bổ sung thêm các quyền công dân về kinh tế, tạo tiền đề cho quyền con người mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, sửa đổi Hiến pháp lần này, những nội dung này cần phải được thể hiện rõ hơn để ghi nhận quyền con người.
Luật sư Lê Đức Tiết, Thành viên Hội đồng dân chủ - pháp luật, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân tích: “Quyền sở hữu là quyền cơ bản nhất, quyền sống của con người. Trước đây, chúng ta nghĩ rằng, “nước lên thì thuyền nổi”, có nghĩa cứ làm cho sở hữu chung để phát triển, trong đó có quyền sở hữu riêng. Cái đó là đúng nhưng không có nghĩa là phủ nhận quyền sở hữu riêng. Sở hữu chung là cái cơ bản, nhưng từng người, từng gia đình phải có sở hữu riêng. Hiến pháp lần này phải sửa lại sở hữu tập thể có vị trí của nó, nhưng không vì nó mà xoá bỏ, kỳ thị, hạn chế quyền sở hữu riêng, vì con người phải có quyền sở hữu riêng thì mới có động cơ, mục đích sản xuất. Nếu không có sở hữu riêng thì sinh ra bệnh lười nhác. Có 3 quyền sở hữu: Sở hữu quốc gia, sở hữu tập thể và sở hữu cá nhân, ba quyền này song song tồn tại với nhau”.
Lịch sử lập hiến Việt Nam qua 4 bản Hiến pháp đều có những quy định về quyền con người nhưng chưa phân biệt rõ với quyền công dân. Những quy định chung nhất về quyền con người được thể hiện trong một chương là “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường, lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 này sẽ kế thừa tầm nhìn bao quát, có ý nghĩa chiến lược của Hiến pháp 1946 về nhân quyền. Theo đó, cùng với việc ghi nhận đầy đủ các quyền con người cơ bản, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dự kiến sẽ đưa chương quyền con người, quyền công dân lên vị trí thứ hai của bản Hiến pháp, sau chương về chế độ chính trị.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường: “Trước đây trong chế độ xã hội hiện thực không thừa nhận khái niệm quyền con người, vì vậy trong các văn bản chính trị và pháp lý chính thức của nhà nước, của Đảng không có thuật ngữ “quyền con người”, đồng nhất thuật ngữ quyền con người với quyền công dân. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, trong văn kiện của Đảng đã chính thức thừa nhận quyền con người. Chính vì thừa nhận khái niệm quyền con người cho nên đã mở ra tư duy mới, tư duy lập hiến mới trong Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, Hiến pháp hiện hành mới chỉ thừa nhận thuật ngữ đó ở Điều 50, còn cách thể chế hoá quyền con người và quyền công dân được trộn lẫn vào quyền công dân, không có sự phân biệt giữa quyền con người với quyền công dân. Hiến pháp 92 lần này sửa đổi là có sự phân biệt đó”.
Cũng theo các chuyên gia luật pháp, việc phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân trong Hiến pháp sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho việc xây dựng pháp luật về quyền con người trên các lĩnh vực cụ thể. Qua đó, cung cấp cho người dân những công cụ cần thiết để phát huy dân chủ, tham gia tích cực, sâu rộng vào quản lý nhà nước và xã hội, đồng thời được hưởng thụ những thành quả của phát triển.
Tin liên quan: