Hiện tượng kỳ thị người gốc Á vì dịch virus corona mới

Nhật Anh - VTV24-Thứ năm, ngày 06/02/2020 17:30 GMT+7

VTV.vn - Diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới đang dẫn tới tình trạng kỳ thị người gốc Á tại không ít quốc gia trên thế giới.

Việc Tổ chức y tế thế giới quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là động thái giúp các quốc gia trên thế giới tiến thêm một bước đến các biện pháp nghiêm ngặt để tránh lây lan dịch bệnh. Các biện pháp này bao gồm việc siết chặt biên giới, ngừng cấp thị thực cho người đến từ vùng dịch, hủy lịch trình bay đến và đi Trung Quốc, siết chặt kiểm soát tại sân bay... Tất cả những biện pháp phòng chống này cộng với tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường đang gây tâm lý cảnh giác, kỳ thị với người Trung Quốc ở một bộ phận người dân trên thế giới. Và điều này đang ảnh hưởng đến không chỉ người Trung Quốc mà cả các cộng đồng gốc Á khác trên toàn thế giới.

Mỹ tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp và cấm nhập cảnh với người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng hai tuần. Các công dân Mỹ trở về từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, phải cách ly bắt buộc 14 ngày. Các nước như Australia, Malaysia, Philippines, Nga cũng tạm ngừng cấp thị thực cho du khách ở hoặc từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày.

Dù việc chính phủ các nước phải tính đến nhiều đối sách cách ly quyết liệt để ứng phó với đại dịch là sự chuẩn bị có cơ sở, nhưng những luồng thông tin nhiễu loạn về tình hình dịch bệnh vẫn dẫn đến sự hoang mang thái quá và một xu hướng phân biệt đối xử một cách tiêu cực.

Tại Singapore, một kiến nghị cấm cửa du khách Trung Quốc tới quốc đảo Sư tử đăng tải trên trang Change.org đã thu thập được hơn 118.000 chữ ký chỉ sau 3 ngày.

Tại Hàn Quốc, các thông báo từ chối nhận khách hàng nào đến từ Trung Quốc lần lượt xuất hiện bên ngoài các nhà hàng, cửa hiệu. Hơn một nửa triệu người Hàn Quốc ký đề nghị gửi đến Nhà Xanh, kêu gọi cấm các du khách từ đất nước tỷ dân.

Tại Nhật Bản, một nhà hàng treo bảng ghi hàng chữ: "Không tiếp khách người Trung Quốc. Tôi không muốn bị lây nhiễm virus" đã khiến giới chức ngành du lịch nước này phải lên tiếng xin lỗi.

Dù thừa nhận phần lớn khách hàng đến ăn là du khách Trung Quốc, bà Yaeko Suenaga, 70 tuổi, một chủ nhà hàng tại Tokyo, Nhật Bản cho biết bà hiểu lý do vì sao một số nơi lại từ chối khách hàng Trung Quốc. "Tôi nghĩ nỗi sợ hãi này xuất phát từ trong lòng mỗi người vì sự nguy hiểm của chủng virus mới này." Bà Yaeko trần tình.

Trả lời tờ New York Times, bà Karen Eggleston, giám đốc chương trình chính sách y tế châu Á của Đại học Stanford (Mỹ), cũng có cùng quan điểm: "Nghĩ theo một cách nào đó, đây là phản ứng tự nhiên. Người ta thường có suy nghĩ muốn cách xa khỏi nguồn gốc có thể của bệnh, đặc biệt là khi chưa có thuốc chữa trị."

Sự đề phòng là điều dễ hiểu trong tình cảnh dịch bệnh hiện tại, nhưng điều đáng ngại hơn là từ nỗi lo chính đáng của việc bị lây loại virus có thể dẫn đến chết người, tâm lý này đã dẫn đến một số phản ứng gây tranh cãi khi ranh giới giữa nỗi sợ chính đáng hay sự kỳ thị không còn rõ ràng. Và sự lan truyền trên mạng xã hội của những tin tức giả mạo đã đẩy nỗi sợ vượt quá giới hạn.

Ranh giới mờ giữa nỗi sợ và sự kỳ thị

Hiện tượng kỳ thị người gốc Á vì dịch virus corona mới - Ảnh 1.

Tâm lý e dè với người gốc Trung Quốc hoặc nói tiếng Trung vượt qua cả biên giới châu Á. Dù sinh sống ở phía bên kia bán cầu, cộng đồng người gốc Hoa vẫn trở thành mục tiêu của sự kỳ thị chủng tộc.

Tờ báo Herald Sun của Australia đăng tít bài "China Virus Panda-monium" trên hình chiếc khẩu trang. Từ "pandemonium" có nghĩa "đại dịch", nhưng lại chơi chữ một cách mỉa mai khi nói lái thành "panda", tức là gấu trúc - biểu tượng thường được liên tưởng đến hình ảnh Trung Quốc. Điều này đã khiến nghị sĩ bang Queensland Duncan Pegg cảnh báo người dân về thông tin lan truyền trên mạng có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến những cộng đồng có tỷ lệ người gốc Á cao.

Hiện tượng kỳ thị người gốc Á vì dịch virus corona mới - Ảnh 2.

Hình ảnh trang nhất và bài báo trên tờ Courrie Picard (Pháp) về cảnh báo virus corona mới kèm thông điệp ám chỉ "phân biệt chủng tộc" (Nguồn: France24)

Một tờ báo địa phương của Pháp Courrier Picard thậm chí đã đẩy mọi việc đi xa hơn, khi các tiêu đề cảnh báo cấp tốc vì virus Vũ Hán đã như đổ thêm dầu vào lửa. Trên trang nhất, tờ báo này đã để dòng tiêu đề "Virus corona từ Trung Quốc– Cảnh báo vàng". Bên trong là bài xã luận với tiêu đề "Nguy hiểm màu vàng". Trong đó, các từ như "màu vàng" và "nguy hiểm" đều được cho là ám chỉ tiêu cực đối với màu da vàng - cụm từ có xu hướng bài ngoại, phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á từ thế kỷ 19. Sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích từ cộng đồng gốc Á tại Pháp, tờ Courrier Picard sau đó đã thừa nhận đặt tiêu đề không phù hợp và phải lên tiếng xin lỗi.

Bị chế giễu, gièm pha vì chủng tộc và những thông tin tràn lan về dịch bệnh tại Trung Quốc là những trải nghiệm tồi tệ chung của nhiều người dân gốc Á sinh sống ở nước ngoài. Không ít người đã lên mạng xã hội chia sẻ những câu chuyện bị phân biệt đối xử dưới vỏ bọc châm chọc hài hước, thậm chí bị coi như những mầm bệnh di động.

"Không phải vì tôi là người Trung Quốc nên tôi mang trong mình virus. Tôi từng gặp một nhóm bạn trẻ trên đường, hỏi tôi rằng tôi đã từng ăn thịt dơi chưa, có nhiễm virus không rồi nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị. Tôi cảm thấy rất tệ. Những kẻ phân biệt chủng tộc nhân cơ hội tuyệt vời này để xúc phạm chúng tôi." Chị Yiyi, một người gốc Trung Quốc đang sinh sống tại thủ đô Paris của Pháp, chia sẻ.

Chị Yiyi cũng cho biết nhiều người cũng gặp phải những tình huống tương tự như chị. Chị Erin Wen Ai Chew, một doanh nhân gốc Á cũng cho biết chị đã quen với những ánh mắt kỳ thị như thế này từ lâu. "Chúng tôi không lạ gì khi những chuyện phân biệt đối xử như hiện tại xảy ra." Chị Chew nói. "Người ta sẽ nhắm vào màu tóc đen và màu da vàng của chúng tôi để tỏ sự giận dữ, thái độ hằn học và những điều kinh khủng khác. Chúng tôi biết rằng khi ra ngoài, mình sẽ trở thành mục tiêu của phân biệt chủng tộc."

Cùng lúc, trên mạng xã hội, những đoạn video cảnh ăn "salad chuột" hay "súp dơi" được chia sẻ rầm rộ và được bàn tán xôn xao. Bất chấp thực tế là những hình ảnh này đã được quay từ năm 2016 tại quốc đảo Palau và không hề phản ánh đúng về thói quen của người Trung Quốc.

"Nhiều người vào các nhà hàng Trung Quốc và hỏi ở đó có bán súp dơi không. Nhưng người Trung Quốc có món súp dơi đâu chứ." Anh Rui Wang, một du học sinh Trung Quốc, nói với tờ Le Figaro. "Đó không phải truyền thống ẩm thực của Trung Quốc. Tôi và các bạn của tôi còn chưa nghe nói về món đó bao giờ. Người Pháp chẳng ăn ốc sên và ếch đấy thôi. Kiểu phân biệt kỳ thị này là một cách để hạ thấp những người không có cùng thói quen ăn uống với họ thôi." Anh Wang bức xúc nói.

Sau hàng loạt những chia sẻ như thế, hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (#Tôi không phải virus) xuất hiện hàng đầu trong mục tìm kiếm trên mạng xã hội Twitter như là cách mà cộng đồng gốc Á lên tiếng chống lại việc bị kỳ thị và đánh đồng với mối nguy dịch bệnh. Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc tại Pháp (AJCF) đã thành lập một hòm thư điện tử để thu thập lời trần tình của các nạn nhân bị kỳ thị.

"Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư và đang tổng hợp để hình dung mức độ nghiêm trọng của sự việc. Những tình huống khá giống nhau, chủ yếu xảy ra ở Île-de-France, nhiều phản hồi về quấy rối trong các trường học. Doanh thu các nhà hàng châu Á hiện đã giảm mạnh." Chủ tịch của Hiệp hội AJCF cho biết.

Tư tưởng kỳ thị và bài ngoại sống dậy

Hiện tượng kỳ thị người gốc Á vì dịch virus corona mới - Ảnh 3.

Tư tưởng phân biệt chủng tộc và bài ngoại không chỉ nhắm vào người Trung Quốc, mà còn nhắm cả vào những người dân gốc Á. "Virus corona chỉ là một chất xúc tác thêm vào đợt sóng ngầm luôn chực chờ trỗi dậy." Chị Heloise, một sinh viên trường Luật tại thành phố Lyon, Pháp, nói với tờ Le Figaro. "Con virus chỉ đơn giản khơi lên những nỗi sợ sẵn có, khuếch đại chúng và khiến mọi người củng cố thêm những định kiến của mình".

Những công dân gốc Á sống tại Canada từ những năm 2002-2003 hơn ai hết thấm thía rõ điều này. Quốc gia này từng chứng kiến một làn sóng bài ngoại tương tự khi đại dịch SARS, cũng xuất phát từ Trung Quốc, bùng phát vào 17 năm trước.

Anh Frank Ye, một người dân gốc Trung Quốc tại Toronto, Canada, nhớ lại những ký ức tồi tệ khi thông tin về đại dịch SARS lan đến nơi anh sinh sống. "Tôi vẫn còn nhớ những đứa trẻ khác trên sân trường đã bảo tôi hãy biến đi vì tất cả người Trung Quốc đều có SARS." Anh Ye viết trên Twitter cá nhân. "Trái tim tôi đau đớn cho những đứa trẻ Trung Quốc đối mặt với sự kỳ thị chủng tộc".

Ông Justin Kong, giám đốc điều hành chi nhánh Toronto của Hội đồng quốc gia Trung Quốc tại Canada, cho biết cộng đồng gốc Á nói chung đã trở thành mục tiêu cho những bình luận mang tính bài ngoại trên mạng lẫn ngoài đời. "Một số người mặc nhiên xem người Trung Quốc hoặc những người có vẻ là người châu Á là những người mang virus." Ông Kong trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình CBC. "Chúng tôi từng thấy điều này khi xảy ra đại dịch SARS, Ebola. Chúng gắn với xu hướng kỳ thị chủng tộc".

Tâm lý lo sợ dịch bệnh nhanh chóng biến thành cơn bão tẩy chay, khiến nhiều doanh nghiệp do người gốc Á ở Canada làm chủ đã hứng chịu thiệt hại nặng nề. Riêng thành phố Toronto thiệt hại khoảng một tỷ đô la Canada khi người dân và du khách tránh đến thành phố này, đặc biệt là các khu vực có tập trung đông nhà hàng, cửa hiệu của người Trung Quốc.

Nhiều lao động gốc Trung Quốc bị cho nghỉ việc, bị chủ nhà trọ đuổi ra đường. Thậm chí, các nhà tang lễ cũng từ chối tiếp nhận những người đến từ một bệnh viện đang điều trị dịch SARS.

Mạng xã hội - Nền tảng cho sự kỳ thị sinh sôi

"Sự hoang mang từng làm tê liệt phần lớn Toronto dường như đang quay trở lại." Bà Amy Go, chủ tịch Hội đồng người Canada gốc Hoa nói với tờ Le Figaro. "Tôi đã hy vọng mọi thứ sẽ không giống như lịch sử, nhưng nó đang xảy ra và bị mạng xã hội phóng đại."

So với thời điểm xảy ra dịch SARS năm 2003, giới phân tích cho rằng sự kỳ thị hiện nay còn sâu sắc hơn do sự phổ biến của mạng xã hội. Đây đã trở thành nơi người dùng có thể đăng tin mà không cảm thấy phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và không ngần ngại khi đăng tải các bình luận phân biệt chủng tộc một cách công khai.

Theo giáo sư ngành y khoa cộng đồng Robert Fullilove thuộc trung tâm y tế Columbia (Mỹ), nỗi hoảng loạn thường dẫn đến xu hướng tìm một đối tượng để đổ lỗi. "Tôi cho rằng tâm lý bài ngoại sẽ gia tăng rõ rệt cùng với sự phổ biến của các nguồn thông tin mà chúng ta tiếp cận, không chỉ riêng báo chí truyền thông, vì nó cho chúng ta lý do để thấy sợ hãi."

Dù hiện tại, những xu hướng kỳ thị mới chỉ dừng lại ở những trò đùa cợt trên mạng xã hội, tít báo thiếu nhạy cảm hay việc một vài cá nhân tỏ thái độ nơi công cộng, nhưng nếu tình hình dịch bệnh xấu đi, tâm lý kỳ thị có thể phá triển thành thái độ phân biệt chủng tộc cực đoan.

Phát biểu trên trang tin The Verge, giáo sư Roger Keil thuộc Đại học York (Canada) nhận định rằng chỉ một số dịch bệnh nhất định là nguồn cơn của các làn sóng phân biệt chủng tộc. "Dịch H1N1 xuất phát từ Bắc Mỹ, bệnh bò điên từ nước Anh đều không tạo ra những làn sóng phân biệt tới mức độ này. Nhưng nhắc lại những nỗi sợ khi có dịch bệnh SARS xuất phát từ Trung Quốc hay dịch Ebola từ châu Phi thì đều liên quan nhiều đến tâm lý bài ngoại." Giáo sư Keil nói. "Chủng virus mới này đã làm sống dậy nỗi sợ luôn tiềm ẩn – nỗi sợ những thứ khác lạ với mình."

Các nước kêu gọi đoàn kết

Chính phủ Trung Quốc cho biết nước này dự kiến sẽ mở các chuyến bay đặc biệt để đưa công dân đang ở nước ngoài có nhu cầu trở về nước, sau khi tính tới những khó khăn mà họ đang phải đối mặt ở nước ngoài. Dù thế, Trung Quốc cho biết đất nước này đang quyết tâm ngăn chặn một dịch bệnh mà họ gọi là "thách thức chung với nhân loại". "Định kiến và những ngôn từ hẹp hòi không tốt chút nào." Bộ Ngoại giao nước này bày tỏ trong một tuyên bố.

Trung Quốc không đơn độc, bởi chính phủ nhiều nước khác cũng đang rất nỗ lực xoa dịu sự hoang mang của người dân nước mình, với mong muốn không để lặp lại sự kỳ thị đã bao trùm cộng đồng gốc Á như thời điểm xảy ra đại dịch SARS.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng đây không phải là lúc để tỏ thái độ kỳ thị với Trung Quốc, vì dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến người thuộc bất kỳ sắc tộc nào.

"Cả đất nước Trung Quốc đang cố gắng rất nhiều để đẩy lùi dịch bệnh. Và tôi nghĩ chúng ta nên chung tay với họ. Khác với thời kỳ xảy ra đại dịch SARS, chúng ta còn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khi mạng xã hội khiến tin đồn chưa được kiểm chứng lan tràn rộng hơn, gây ra sự hồ nghi, nỗi sợ và chia rẽ vô căn cứ." Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Tại Indonesia, mặc dù chính phủ nước này đã hoãn tiếp nhận các chuyến bay từ Vũ Hán, song thống đốc Tây Sumatra Irwan Prayitno đã không đồng tình với kiến nghị của một nhóm người dân yêu cầu từ chối phục vụ toàn bộ du khách Trung Quốc.

Trong sự kiện mừng Tết Nguyên đán ở ngoại ô thành phố Toronto ngày đầu tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng về tình trạng kỳ thị đang nổi lên do tâm lý lo sợ sự lây lan của chủng virus corona mới ở Canada. Trong bài phát biểu, ông Trudeau bày tỏ sự ủng hộ với những người là nạn nhân của sự kỳ thị và kêu gọi người Canada đoàn kết. "Tôi biết đây là một sự khởi đầu năm mới khó khăn với rất nhiều người. Chính phủ luôn ở bên các bạn và phản đối sự chia rẽ. Không có chỗ cho sự kỳ thị do lo sợ hay do thông tin thất thiệt ở đất nước chúng ta." Thủ tướng Canada nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới tuần trước ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu do virus corona mới ở Trung Quốc, song Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 3/2 vẫn nhấn mạnh, không nhất thiết phải có các biện pháp can thiệp gây xáo trộn không cần thiết tới du lịch quốc tế và thương mại.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và nhất quán", ông Tedros nói và nhấn mạnh mức độ lây lan của nCoV ở bên ngoài Trung Quốc sẽ là "tối thiểu và chậm" nếu chúng ta tập trung chống virus ngay tại tâm dịch.

(Nguồn tổng hợp: CNN, The New York Times, The Verge, Washington Post, Le Figaro, CBC)

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước