Để khẩn trương giải quyết những bất cập trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn, hiện nay, một số địa phương đang tích cực đầu tư các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, cũng như thí điểm một số mô hình trong thu gom, xử lý rác với sự tham gia của cộng đồng.
Hoạt động này không chỉ đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân làm công tác vệ sinh môi trường được duy trì lâu dài mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Nếu như cách đây hơn 2 năm, tại Thôn Sỏ, xã Phục Lễ, rác thải được vứt tràn lan, thì nay tình trạng này đã hầu như không còn. Mặc dù chưa được phân loại triệt để tại các hộ gia đình, nhưng hầu hết rác thải được tập kết tại nơi quy định. Tổ thu gom mang đi xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung của xã.
Môi trường được đảm bảo và người dân đã dần thay đổi thói quen không vứt rác bừa bãi. Mỗi khẩu đóng góp 5.000 đồng phí vệ sinh môi trường một tháng.
Khu tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Phục Lễ được đưa vào vận hành cách đây gần 2 năm từ nguồn vốn xã hội hóa do chính quyền địa phương huy động. Khu xử lý này hoàn toàn khép kín, từ phân loại, đốt rác tách nhiệt, các loại rác hữu cơ được ủ thành phân vi sinh. Rác thải được tận dụng một cách tối đa để xử lý thành nguyên liệu có ích.
Hiện nay, địa phương đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân tích cực thực hiện phân loại rác ngay tại gia đình.
Từ những hiệu quả của mô hình thu gom, xử lý rác thải tại xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, các Bộ ngành liên quan đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, đồng thời huy động nguồn lực về tài chính và kỹ thuật cho xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Bởi thực tế hiện nay cho thấy, nếu không có giải pháp đồng bộ thì việc thực hiện tiêu chí thứ 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, phần lớn các xã đều khó đạt do khâu xử lý rác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!