Hiện chưa có chính sách cho vay vốn với những hộ mới thoát nghèo. Ảnh minh họa
Còn với những người dân vừa thoát nghèo và muốn phát triển kinh tế lại gặp khó khi tiếp cận tín dụng vì chưa có chính sách.
Năm 2012, chị Nguyễn Thị Ninh - Xã Đồng Lương - Cẩm Khê - Phú Thọ mua một con bò từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Vừa sinh được 1 con bò con thì bò mẹ lăn ra chết vì bệnh nên số tiền được vay chưa kịp sinh lời. Đến năm nay, chị Ninh có nhu cầu vay thêm vốn ưu đãi để tăng gia sản xuất thì không được chấp thuận vì gia đình chị vừa thoát ra khỏi diện hộ nghèo.
Chị Nguyễn Thị Ninh cho biết: "Năm 2013 tôi thoát hộ nghèo rồi nhưng điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên tôi muốn nhà nước cho vay một số tiền ưu đãi để mua thêm con bò nữa phục vụ chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình".
Năm 2013 toàn tỉnh Phú Thọ có 8.000 hộ thoát nghèo, hầu hết số này đều có nhu cầu vay vốn tín dụng để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, hộ mới thoát nghèo khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại do yêu cầu về tài sản thế chấp và lãi suất cao. Còn nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ chỉ dành cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Thực tế, nguy cơ tái nghèo rất dễ xảy ra nhất là ở những vùng kinh tế của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp và chịu nhiều rủi ro từ thiên tai.
Ông Trương Việt Phương, Phó GĐ Ngân hàng CSXH Phú Thọ cho biết: "Hầu như hộ nghèo mới thoát nghèo đều muốn tiếp tục được vay vốn nhưng họ rất khó khăn tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác".
Mỗi lần đến ngày giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị Ninh lại đến để hỏi vay vốn. Tuy nhiên, chị vẫn phải ra về tay không vì chưa có chính sách cho vay vốn với những hộ mới thoát nghèo, dù ranh giới giữa nghèo và thoát nghèo chỉ chênh nhau vài nghìn đồng.