Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ tám, từ phải sang) và các trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: TTXVN)
Trong ngày thứ 3 của Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị cấp cao liên quan, hôm nay (4/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN đã tham 5 hội nghị Cấp cao, giữa ASEAN với các bên đối tác.
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á bao gồm lãnh đạo của 10 nước ASEAN và Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Australia, Thủ tướng Nga, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Trung Quốc và Đặc phái viên của của Tổng thống Mỹ vừa kết thúc cuối giời chiều nay, tình hình Biển Đông tiếp tục được nhiều nhà lãnh đạo nêu lên tại Hội nghị.
Các nhà lãnh đạo các nước thành viên Hội nghị Cấp cao Đông Á khẳng định đây là cơ chế hàng đầu đối thoại về an ninh, chiến lược ở khu vực, để đánh giá tình hình thế giới diễn biến phức tạp, biến động nhanh chóng, thuận lợi thách thức đan xen. Đa số lãnh đạo các nước đều cho rằng, với một nửa dân số thế giới phải được củng cố và phát huy, thực sự trở thành diễn đàn của các lãnh đạo, trao đổi các nội dung chiến lược, liên quan tới hòa bình và ổn định khu vực.
Các nhà lãnh đạo đánh giá ý nghĩa của Tài liệu Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương, thể hiện tầm nhìn, nguyên tắc và các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN trong hợp tác với các đối tác. Đồng thời bày tỏ mong sớm thấy các hoạt động hợp tác cụ thể thời gian tới.
Các nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình Biển Đông. Trong đó, đa số các nhà lãnh đạo đều kêu gọi kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Đông Á là diễn đàn của các lãnh đạo, đối thoại và hợp tác vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và an ninh khu vực. Thủ tướng ủng hộ các nước tham gia cơ chế hợp tác này đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, thúc đẩy hình thành các chuẩn mực ứng xử và khuôn khổ quan hệ dựa trên luật lệ giữa các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ tình hình Biển Đông chưa thật sự bền vững, do vẫn còn những sự việc gây quan ngại, đi ngược lại luật pháp quốc tế, có thể ảnh hưởng hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không. Do đó, Thủ tướng đề nghị các nước đẩy mạnh đối thoại, xây dựng lòng tin, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử. Đi cùng với thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế vì Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
* Trước đó, tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ, Cố vấn an ninh quốc gia Robert O'Brien, đồng thời là Đặc phái viên của Tổng thống Donal Trump tới dự Hội nghị đã khẳng định lại lập trường của Hoa Kỳ, phản đối các hành vi ngăn cản hoạt động kinh tế hợp pháp trên biển, không tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của các nước và luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Những hành động này hòng ngăn cản các quốc gia ASEAN khai thác các tài nguyên ngoài khơi và đi ngược với các quy định của sự tôn trọng, công bằng và luật pháp quốc tế.
Cố vấn An ninh quốc gia Robert O'Brien đã chuyển tới các nhà lãnh đạo ASEAN lời mời của Tổng thống Donald Trump mời lãnh đạo các nước ASEAN thăm Hoa Kỳ trong 2020. Đồng thời khẳng định Hoa Kỳ luôn mong muốn các nước ASEAN đề cao đoàn kết, các bên cần kiềm chế giải quyết hòa bình các tranh chấp, đồng thời tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển. Ông cũng khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực, đồng thời, hoan nghênh ASEAN triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Biển Đông, đường biển huyết mạch của thế giới, với 3.400 tỷ USD lưu lượng hàng hóa vận chuyển hàng năm. Cùng với nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông được các Ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định tháng 7 vừa qua, Thủ tướng khẳng định các nước và các bên đều có trách nhiệm đóng góp bảo vệ hòa bình, củng cố ổn định, thúc đẩy đối thoại, tăng cường hợp tác, cùng nhau xây dựng khu vực Biển Đông hoà bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.
Về quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sự phát triển thịnh vượng của hai bên mang tính tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Hiện, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ trong khi Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 3 và nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 của ASEAN. Trên tinh thần đó, Thủ tướng hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng và năng lượng tại ASEAN.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'brien cho biết, để góp phần hỗ trợ các nước tham gia sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập khu vực, Hoa Kỳ đề xuất sáng kiến "Mạng các điểm xanh". Theo đó các nước dẫn dắt sẽ đề ra các tiêu chí, tiêu chuẩn để các nước khác dựa vào đó tham gia các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Hoa Kỳ cũng đồng thời cam kết sẽ tham gia sâu hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với ASEAN trong các cơ chế do ASEAN thành lập, dẫn dắt.
Lãnh đạo các nước ASEAN tái khẳng định lập trường ủng hộ tự do thương mại, thượng tôn pháp luật, hành xử có trách nhiệm, đồng thời kêu gọi các nước lớn kiềm chế, không để các khác biệt, nhất là trong thương mại gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường khu vực.
Cùng lãnh đạo các nước ASEAN khác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận lời mời của Tổng thống Donald Trump với các lãnh đạo ASEAN.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!