Kéo dài 3 ngày, từ 5-7/6, sự kiện được coi là “Diễn đàn Davos của châu Á” này qui tụ một con số kỉ lục: 900 đại biểu tới từ hơn 50 quốc gia, bao gồm các nhà lãnh đạo Chính phủ, đại diện các tập đoàn hàng đầu thế giới, các tổ chức quốc tế và giới học giả. Diễn đàn năm nay sẽ bàn thảo các thách thức và giải pháp đối với qúa trình hội nhập kinh tế tại khu vực ASEAN nói riêng và Đông Á nói chung. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện này.
Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á năm nay diễn ra vào thời điểm trọng đại, khi khu vực Đông Á đang thể hiện rõ vai trò động lực dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu hồi phục, khi Hiệp hội ASEAN đang hoàn tất giai đoạn cuối cùng của lộ trình thành lập một Cộng đồng kinh tế vào năm 2015 và khi mà Myanmar - nước chủ nhà hội nghị - bắt đầu mở cửa hướng ra thế giới. Chính vì thế, vấn đề “Cải cách hướng tới hội nhập” đã trở thành đề tài nóng hổi ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị năm nay.
Rất nhiều khuyến nghị và giải pháp về quá trình cải cách nhằm tăng cường hội nhập trong ASEAN đã được đưa ra trong ngày hôm nay. Theo đề xuất về “Du lịch Thông minh” của các nước ASEAN, đến năm 2015, ASEAN sẽ trở thành đích đến tự do của dòng du khách, hàng hóa, dịch vụ, nhân lực có tay nghề. Du lịch trong ASEAN hiện chiếm tới 11% GDP cho với mức trung bình 9% toàn cầu, đủ cho thấy thế mạnh và sự cần thiết phải hội nhập như thế nào trong khối.
Ông Satya Ramamurthy, Trưởng đại diện tập đoàn KPMG tại châu Á – Thái Bình Dương cho biết: “Tôi nghĩ các nền kinh tế ASEAN cần làm 2 việc. Thứ nhất, họ cần hợp tác để phát triển sức mạnh của nhau. Ví dụ, một nước mạnh về nông nghiệp, thì bản thân nước đó và các nước khác cần hợp tác để phát triển ngành này. Thứ hai là ở một nhóm, các nước ASEAN cần làm nhiều hơn để cải thiện thương mại và chất lượng dịch vụ, để tăng tỉ lệ GDP mà ngành dịch vụ có thể đóng góp cho các nền kinh tế ASEAN”.
Ông Robert Terpstra, Phó Tổng biên tập Tạp chí Business Today chia sẻ: “Nếu ASEAN đạt được mục tiêu hội nhập sâu sắc, các bạn có thể đảm nhận vai trò dẫn dắt tại khu vực từ năm 2015. Một khối thương mại gắn kết bền vững như ASEAN sẽ là một đối tác quan trọng đối với bất kì nền kinh tế nào trong khu vực Đông Á và rộng hơn thế”.
Mặc dù là một diễn đàn kinh tế, song tại hội nghị năm nay, rất nhiều quan điểm đã cùng khẳng định vai trò trụ cột của ASEAN trong cấu trúc khu vực Đông Á. ASEAN - một khu vực yên bình nhất thế giới và đang trở thành sức hút các cường quốc. Riêng kim ngạch thương mại song phương ASEAN – Trung Quốc năm ngoái đạt mức 400 tỉ USD so với con số 8 tỉ USD của năm 1991 có thể thấy sức hút này lớn đến mức nào.
Hội nghị năm nay tại Myanmar tiếp tục có sự tham dự tích cực của Việt Nam.
Ông Sushant Palakurthi Rao, Giám đốc khu vực châu Á, Diễn đàn Kinh tế thế giới nói: “Vào năm 2010, khi Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á lần thứ 19, các bạn là chủ nhà đầu tiên đưa ra sáng kiến tổ chức phiên họp về “khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng”. Năm nay, chúng tôi hi vọng Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng chia sẻ những cơ hội và thách thức về quá trình hội nhập này”.
Dự kiến vào ngày mai (6/6), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu quan trọng về những cơ hội và thách thức đối với quá trình hội nhập và tăng trưởng tại khu vực. Việc ASEAN thành lập một cộng đồng kinh tế vào năm 2015 sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối, mà còn là động lực đối với quá trình hội nhập thương mại tại khu vực Đông Á.