Với cách tiếp cận lấy công chúng làm trung tâm, hội thảo đã đề ra những sáng kiến, giải pháp để gắn kết người dân trong quá trình chính sách, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và Hàn Quốc đánh giá, minh bạch hóa thông tin là điều kiện cơ bản để người dân có thể tham gia vào quá trình chính sách. Bởi chỉ khi người dân tiếp cận được những thông tin đầy đủ và chính xác, họ mới có thể biết và bàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và truyền thông xã hội hiện nay, để sự tiếp nhận truyền thông chính sách của người dân được đồng đều, cần đảm bảo công bằng thông tin giữa các khu vực, đặc biệt ở nông thôn và miền núi. Công tác truyền thông về các kỳ họp Quốc hội giúp người dân theo dõi các cuộc thảo luận chính sách tại nghị trường là một trong những giải pháp mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả.
Từ năm 2016, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA đã phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tập huấn cho các nhà báo trong truyền thông chính sách. Theo đó, báo chí phải hấp dẫn hơn, sát thực hơn và sâu sắc hơn trong lĩnh vực này. Quá trình này cũng cần ứng dụng công nghệ, chú ý đến vai trò của mạng xã hội. Truyền thông chính sách tốt sẽ giúp nâng cao trách nhiệm chính trị của người dân, từ đó phát huy được các nguồn lực xã hội trong xây dựng chính sách, dẫn đến những đổi mới tích cực trong quá trình chính sách, đưa chính sách đi sâu vào cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!