Thời điểm vô cùng khó khăn ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều người mỗi khi tháng 2 về.
Tại khu vực biên giới huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, mỗi khi mùa hoa đào nở cũng là mùa của những hoạt động tri ân những người từng nằm lại nơi này 40 năm trước.
Tháng 2/1979, nguyên đồn trưởng đồn Pha Long Mai Khánh Thát khi trở lại đơn vị sau cuộc họp ở tỉnh thì 26 chiến sĩ của đồn đã hi sinh để giữ đất quê hương.
Xúc động trước câu chuyện về bức điện cuối cùng của chính trị viên Trần Ngọc cho Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, nhà thơ Vương Trọng đã có bài thơ "Ghi ở Pha Long" tặng những chiến sĩ mà ông từng gặp khi đến thăm đồn dịp trước tháng 2/1979.
Với ông Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, ký ức về tháng 2, mà sau này ông vẫn nói lại với con, cháu của mình rằng ngày ông lập gia đình là ngày đất nước trải qua biến cố rất lớn.
Tháng 2/1979, một chiến dịch chuyển quân thần tốc với quy mô lớn chưa từng có từ Campuchia ra biên giới phía Bắc đã được triển khai.
Trở lại với câu chuyện ở Pha Long, những bản làng yên bình vẫn nép mình bên núi, tinh thần quả cảm, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất biên cương của 40 năm về trước giờ chỉ còn lại ở những nghĩa trang nhưng quá khứ vẫn luôn được nhắc nhớ để thêm trân trọng những giá trị của hòa bình.
40 năm trước, những cán bộ, chiến sĩ đồn Pha Long và những đồn biên phòng dọc tuyến biên giới từ Quảng Ninh cho đến Phong Thổ, Lai Châu - cả một vùng phên dậu nơi tuyến đầu Tổ quốc đã anh dũng chiến đấu, nhiều người đã nằm lại nơi đầu sông, đầu suối. Họ sẵn sàng hi sinh vì một chân lý muôn thuở của người Việt Nam rằng "chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm". Lịch sử vốn dĩ công bằng và những người làm nên lịch sử xứng đáng được vinh danh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!