Đây cũng là một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Quy định này cũng đang nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban TVQH.
Giải thích về việc đưa quan điểm Nhà nước không cấm quan hệ hôn nhân đồng tính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, theo thống kê, trên thế giới có 3% có thiên hướng đồng tính, như vậy số lượng rất đông, nên Chính phủ đã thảo luận rất kỹ là không cấm nhưng không thừa nhận và giải quyết hậu quả. Theo nhiều đại biểu, đây là vấn đề nhạy cảm, nhưng không thể cấm vì đây là thực tiễn trên thế giới và cả Việt Nam.
‘ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VnEconomy
Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng: “Đây là thực tiễn phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, tuy nhiên đây lại là vấn đề nhạy cảm nên khi bàn còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Tôi tán thành hôn nhân đồng tính, cũng có thể chúng ta điều chỉnh trong luật lần này nhưng để phù hợp với điều kiện nước ta phải có từng bước đi, cần phải có biện pháp xử lý và có lộ trình, chúng tôi chỉ tán thành ở mức không cấm nữa”.
Rất nhiều những bất cập nảy sinh được các đại biểu chỉ ra khi quy định không cấm hôn nhân đồng tính. Có đại biểu ví dụ, nếu người đồng tính đi chuyển đổi giới tính rồi kết hôn, khi pháp luật không công nhận việc chuyển đổi giới tính, hay việc pháp luật không bảo hộ hôn nhân đồng tính thì hậu quả thế nào?
Vẫn còn nhiều băn khoăn về quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính, vì theo quan điểm của một số đại biểu, Luật không cấm nghĩa là vẫn cho tồn tại. Do vậy, theo nhiều đại biểu thì với vấn đề nhạy cảm này, cần phải có sự nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng, đặc biệt là tổng kết từ thực tiễn nhu cầu cuộc sống, trên cơ sở đó nghiên cứu những quy định phù hợp và phải có lộ trình để thực hiện thì Luật mới rõ ràng, cụ thể và dễ áp dụng.