Bên cạnh những bất đồng ngôn ngữ, ngại mất thời gian, khiến lực lượng CSGT khá e dè, thì việc áp dụng các quy định pháp luật xử lý người vi phạm của các cơ quan chức năng đã làm cho tình trạng này ngày càng phổ biến.
Trên nhiều tuyến phố ở TP.HCM, lỗi không đội mũ bảo hiểm xảy ra khá phổ biến, nhiều nhất là khu phố Tây - Phạm Ngũ Lão, Quận 1. Tuy nhiên, việc xử lý các đối tượng này lại ít khi được thực hiện.
Theo thống kê của Phòng CSGT Đường bộ-Đường sắt TP.HCM, trong những năm gần đây, tình trạng người nước ngoài vi phạm Luật Giao thông khá phổ biến, số vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài cũng ngày càng gia tăng.
Đại úy Trương Quang Phước, Đội tuyên truyền an toàn giao thông, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Hiện nay người nước ngoài vi phạm nhiều nhất khi điều khiển xe 2 bánh có nồng độ cồn (rượu, bia) khi tham gia giao thông trên đường. Thứ hai là do ngồi sau phương tiện khác nên không đội mũ bảo hiểm và chở quá số người quy định”.
‘ Vi phạm Luật Giao thông là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. Ảnh: Lao động
Theo quy định, người nước ngoài ở Việt Nam 3 tháng trở lên được đăng ký học, thi lấy giấy phép lái xe. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người nước ngoài ở Việt Nam sống nhiều năm và thường xuyên điều khiển ô tô, xe máy tham gia giao thông mà không có giấy phép do Việt Nam cấp. (Theo quy định hiện hành, giấy phép lái xe của nước ngoài hiện chưa được sử dụng ở Việt Nam).
“Tôi đã bị CSGT chặn lại hỏi một vài lần và họ nói cho tôi biết lỗi vi phạm, sau đó tôi vui vẻ chấp hành đóng tiền phạt. Tôi không muốn nói là tôi không có giấy phép lái xe, thêm vào đó là tôi cũng không muốn nói về điều đó”, David Salisbury, người Canada nói.
Trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật giao thông, ngoài trách nhiệm của chính đối tượng vi phạm còn phải xem xét trách nhiệm của tổ chức, cơ quan bảo lãnh khi mời người nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, điều này cũng ít được thực hiện.
Tai nạn giao thông liên quan tới người nước ngoài dù là nạn nhân gây tai nạn hay người bị nạn đều ảnh hưởng nghiêm trọng rất xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đau xót nhất phải kể đến vụ tai nạn đầu tháng 12/2006 tại Hà Nội, một giáo sư người Mỹ, nhà toán học hàng đầu thế giới sang Việt Nam để giúp giải quyết vấn đề tai nạn giao thông đã bị xe máy đâm trọng thương khi ông đang đi bộ trên hè đường. Hay gần đây nhất là ngày 9/6/2013, nhà khảo cổ học người Nhật với 20 năm gắn bó với Việt Nam đã chết vì xe tải đâm khi đi công tác. Tuy nhiên, cũng rất đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, nạn nhân lại chính là những người vi phạm luật giao thông.
Theo nhiều chuyên gia, để ngăn chặn tận gốc tình trạng này, quan trọng nhất là việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam, theo đó những đối tượng liên quan như: các tổ chức du lịch lữ hành, đơn vị bảo lãnh người nước ngoài phải là những đơn vị đầu tiên bị xem xét trách nhiệm.