Một sức ép khác đối với Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền hai thành phố lớn trong những ngày này đó là ùn tắc giao thông. Chưa vào cao điểm đi lại của Tết Đinh Dậu nhưng những ngày qua, kẹt xe đã trở thành nỗi ám ảnh ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.
Tờ Người lao động dùng đến từ "hỗn loạn" để mô tả tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ ra vào sân bay này hôm thứ 2 đầu tuần, chỉ vì một chiếc xe bus chết máy.
Để giải tỏa kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều biện pháp đã được triển khai, thậm chí, các hãng hàng không còn khuyến cáo hành khách nên đến sớm 3 giờ trước khi bay. Nhưng ùn ứ hay tắc nghẽn lại không chỉ xảy ra ở bên ngoài khu vực sân bay, mà nó xảy ra ngay bên trong sân bay, khi mà nhu cầu của hành khách không được đáp ứng vì cứ đến Tết là việc có được một tấm vé máy bay trở nên khó khăn vô cùng.
Vậy tại sao, năm nào chuyện này cũng xảy ra, bao nhiêu biện pháp cũng chẳng thay đổi được tình hình, thay đổi duy nhất có lẽ là làm tình hình trở nên trầm trọng hơn? Trên báo chí là cuộc tranh cãi, các hãng hàng không cho rằng, mình muốn tăng chuyến bay nhưng bị cơ quan quản lý cắt giảm. Phía cơ quan quản lý lại nói: Các hãng hàng đề xuất tăng chuyến đều tập trung vào giờ cao điểm, giờ tắc nghẽn chủ yếu ở sân bay. Trong khi đó, hoàn toàn có thể tăng chuyến vào khung giờ đêm, nhưng các hãng lại không muốn khai thác.
Theo tờ Thanh niên, lý do chính của tất cả những sự tắc nghẽn này là do tầm nhìn hạn chế, hạn chế trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành bao năm qua, hạn chế trong quy hoạch giữa hàng không với các loại hình vận tải khác.
So với các nước trong khu vực thì năng lực vận tải hàng không của Việt Nam tuy phát triển nhanh nhưng vẫn còn hết sức khiêm tốn vậy mà đã quá tải, đã muốn kìm hãm thì làm sao có thể cạnh tranh với các nước? Chúng ta đang cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, cho đi những ưu đãi để thu hút nhà đầu tư tới. Sân bay là "cửa ngõ" đầu tiên để đón họ nhưng năng lực không đủ, rồi tình trạng vạ vật chờ đợi, tình trạng trễ chuyến, hủy chuyến... chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến bức tranh tổng thể của cả nền kinh tế.
Sở hữu bầu trời rộng lớn nhưng với tầm nhìn hạn chế, quy hoạch chạy theo không kịp với thực tế phát triển, ngành hàng không đã cho chúng ta thấy "giới hạn của bầu trời".
Giới hạn của bầu trời, giới hạn của tầm, hay cả giới hạn của tâm? Trong số rất nhiều bất cập được báo chí nêu ra, có một bất cập, được tờ Lao Động phản ánh bằng hàng tít chạy trên trang nhất: "Đường Golf rộng, đường bay hẹp". Theo tờ báo này đây là một câu có thể diễn đạt được khái quát tình hình hiện nay ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!