Kêu gọi đầu tư BT cầu Thủ Thiêm 4: Nhiều băn khoăn

Quỳnh Như - Lê Phức (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ ba, ngày 10/10/2017 11:30 GMT+7

VTV.vn -TP.HCM sẽ thực hiện dự án cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT - đổi đất lấy hạ tầng. Tuy nhiên, hiện chuyên gia đang băn khoăn tính hiệu quả của hình thức kêu gọi đầu tư này.

TP.HCM đổi 16 khu đất "vàng" để xây cầu Thủ Thiêm 4

BT là hình thức kêu gọi đầu tư công tư, doanh nghiệp sẽ xây dựng cầu và được thành phố thanh toán lại bằng quỹ đất có giá trị tương đương. Cụ thể, với dự án cầu Thủ Thiêm 4 bắt từ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, sang phía Nam khu đô thị Thủ Thiêm, doanh nghiệp đề xuất mức chi phí để thực hiện dự tính là hơn 5.200 tỷ đồng và được thành phố đổi lại bằng giá trị sử dụng 16 khu đất vàng nằm ở một số quận.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM cho biết, trước nhu cầu cấp bách để giải tỏa áp lực giao thông khu vực quận 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, thành phố đã thực hiện chỉ định liên doanh 4 công ty gồm: Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620, Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng 168, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận thực hiện xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Để thanh toán chi phí xây cầu, TP.HCM sẽ đổi lại cho các doanh nghiệp này 16 lô đất "vàng" trong khu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm thành phố.

Nhiều băn khoăn về tính hiệu quả

Trước kiến nghị xây cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức BT, nhiều chuyên gia băn khoăn về tính hiệu quả của hình thức kêu gọi đầu tư công tư này. Trong quá khứ, việc kêu gọi đầu tư BT đã lộ ra nhiều khuyết điểm mà ở đó khu đất được đổi lại cho chủ đầu tư không gắn liền với dự án hạ tầng doanh nghiệp tham gia.

Tại đường Vành Đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất (đại lộ Phạm Văn Đồng), cách đây gần 10 năm, TP.HCM đã kêu gọi đầu tư con đường này theo hình thức BT. Theo kế hoạch, hơn 13km đường sẽ được thực hiện trong 4 năm nhưng đã kéo dài đến 6 năm. Nguyên nhân chủ đầu tư không dành hết tâm huyết, không tập trung nguồn lực tài chính để hoàn thành dự án; đặc biệt không ràng buộc được trách nhiệm nhà đầu tư trong việc triển khai dự án là một trong những thiếu sót của các hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng BT hiện nay.

Để thực hiện con đường, chủ đầu tư được TP.HCM đổi lại khu đất ở quận 2, nằm xa khu vực dự án. Theo chuyên gia, việc đổi một khu đất nằm xa như vậy là một nguyên nhân khiến quá trình thi công con đường không đạt hiệu quả như mong muốn bởi khi nhà đầu tư đồng thời triển khai dự án hạ tầng được giao và dự án của mình ở khu đất được đổi sẽ có nguy cơ dẫn đến việc phân bổ nguồn lực không đồng đều cho các dự án.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế FullBright nói: "Thực tế cho thấy chủ đầu tư không có nhiều lý do trong việc làm cho hạ tầng giao thông đường vành đai ngoài Bình Lợi - Tân Sơn Nhất trở nên tốt hơn bởi việc con đường tốt hơn không làm cho giá trị tài sản của nhà đầu tư đó được cải thiện".

Trước bài học của dự án vành đai ngoài, nhìn lại việc kêu gọi đầu tư BT dự án cầu Thủ Thiêm 4, ông Tuấn chỉ ra rằng, 16 khu đất TP.HCM đổi lại cho nhà đầu tư nằm khá xa khu vực cầu đi qua. Điều này đặt ra những lo ngại về tính hiệu quả của dự án nếu được triển khai.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc TP.HCM thực hiện chỉ định thầu 4 doanh nghiệp xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và đổi ngang lại 16 khu đất là chưa phù hợp với các quy định hiện hành và đặt ra nhiều dấu hỏi về tính hiệu quả bởi theo Luật Đất đai 2013 đã không còn khái niệm "đổi đất lấy hạ tầng".

Do đó, thực hiện theo hình thức BT đúng nghĩa là dự án phải được đấu thầu chứ không phải chỉ định thầu, giao thầu. Nhà nước có thể trả lại bằng đất nhưng không được đổi ngang mà phải đấu giá đất.

Trước thực tế trên, đại diện Ủy ban nhân dân TP.HCM mới đây cũng cho biết, các dự án đầu tư theo hình thức BT của thành phố đang tạm dừng để có những đánh giá xem xét lại, từ đó sẽ xây dựng quy trình triển khai tiếp chặt chẽ hơn.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước