Nhiều người phải chui xuống các hốc đá tìm trầm. (Ảnh: Thanh niên)
Chính quyền địa phương khẳng định việc có trầm trong rừng thực chất chỉ là tin đồn, thế nhưng đến thời điểm này, làn sóng người dân đổ về Khánh Sơn vẫn diễn ra. Một số biện pháp khá kiên quyết đã được chính quyền triển khai với mục đích không để phát sinh thêm những phức tạp về an ninh trật tự, hủy hoại môi trường sinh thái ở vùng rừng nguyên sinh.
Vùng rừng nguyên sinh ở thung lũng Ô Kha, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã không còn vẻ bình yên vốn có. Khu làng phía bên dưới rừng nhiều nhóm người ăn, ngủ suốt mấy ngày qua. Các lán trại trong rừng cũng vậy, họ chờ đợi một khi lực lượng chức năng rút về sẽ vào ngay bãi tìm trầm. Con đường trong rừng nguyên sinh xã Sơn Trung những ngày qua hiếm khi vắng người và câu chuyện mà họ bàn tán nhiều nhất là có hay không trầm ở khu vực rừng này.
Chiếm số đông là người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cách đây vài ngày, có tin đồn một người dân ở huyện tìm được cả chục kilogram trầm ở vùng rừng Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, vậy là người dân Đại Lộc, sau đó là dân tìm trầm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng đổ xô về vùng rừng nguyên sinh xã Sơn Trung. Có ngày, không dưới 700 người tập trung vào rừng đào bới, giấc mơ đổi đời nếu trúng được trầm đã khiến họ bỏ ra nhiều triệu đồng, lăn lộn trong mưa nắng của vùng rừng núi.
Những ngày qua, huyện Khánh Sơn đã tổ chức cho lực lượng này ra khỏi khu vực rừng. Đã có 300 người quay về, song lại có hàng trăm người khác tìm đến. Khi phóng viên có mặt, những người đào rừng tìm trầm ngay lập tức tạt vào rừng.
Theo ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa: “Lực lượng chuyên trách của huyện gồm công an, quân sự, kiểm lâm, ban quản lý rừng phòng hộ và dân quân của xã Sơn Trung thành lập 2 đội chuyên trách trực 24/24h. Cho đến nay, về cơ bản chúng tôi đã kiểm soát”.
Trên tỉnh lộ 9 - con đường đến huyện Khánh Sơn, một chốt gác đã được thiết lập. Những người từ Quảng Nam tìm cách vào rừng Khánh Sơn đã được thuyết phục quay trở về. Bên dưới chốt gác, ở một quán nhỏ ven đường, hàng chục người vẫn tìm cách vào rừng. Biện pháp ngăn chặn mà chính quyền địa phương đưa ra là kịp thời, song cũng chỉ là giải pháp tình thế.
Trong khi đó, vì tin đồn, nhiều người vẫn vào rừng với hy vọng đổi đời và không phải ai cũng biết được tình cảnh của những người tham gia tìm trầm trong mấy ngày qua. Sau 4 ngày ở rừng, trầm đâu không thấy mà đã tiêu tốn 3-4 triệu đồng, buộc phải quay về. Những gì mà họ mang ra khỏi rừng chỉ là quần áo cũ và sự mệt mỏi, âu lo…