Khi người làm luật “ngồi trong phòng kín”

CDS-Thứ năm, ngày 22/11/2012 17:00 GMT+7

Dải phân cách mềm cũng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi (Ảnh minh họa)

Việc ban hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật cần tính toán rất kỹ đến các yếu tố khách quan, đặc biệt là lòng dân. Bởi nếu không, giá đổi lại sẽ không chỉ là những tổn thất về kinh tế…

“Xe chính chủ”: Khả thi không?
Đầu tháng 11, câu chuyện “xe chính chủ” trở thành chủ đề nóng nhất trên tất cả các trang báo và đến từng ngõ xóm. Người ta truyền tin nhau về một điều khoản trong Nghị định 71, theo đó kể từ ngày 10/11/2012, CSGT sẽ xử phạt từ 6 - 10 triệu đồng với ô tô và 1 triệu đồng với xe gắn máy không thực hiện sang tên đổi chủ. Với một quốc gia có hơn 30 triệu xe máy và hơn 2 triệu ô tô, trong đó có tới hơn 40% là không đăng ký chính chủ như Việt Nam, việc áp dụng quy định này lập tức dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều.
Theo anh Nguyễn Ngọc Hưng - Lái xe khách: “Tôi là người lái xe trên tất cả các đoạn đường, theo tôi nghĩ, quy định này hơi bất cập. Khi lưu thông trên đường các phương tiện giao thông có rất nhiều lỗi, phạt lỗi không sang tên đổi chủ như thế là hơi nặng. Những người dân như tôi mà mua được cái xe ô tô hay xe máy, chủ xe đi công tác xa hay đi nước ngoài, hoặc mất rồi… mà phạt thế sẽ có người có phương tiện mà không dám đi.”
Anh Hoàng Văn Tuấn, một người dân ở Hưng Yên nêu ý kiến: “Nó quá khó cho người cho thuê và cho mượn. Ví dụ bây giờ đi mượn hoặc thuê xe, ai họ cho mượn/thuê cả CMND, hộ khẩu.”
Còn anh Nguyễn Đức Sơn, người dân ở Hải Dương cho biết: “Nhà tôi, 2 vợ chồng chỉ có một chiếc xe máy. Nhà nghèo không có tiền mua xe mới, phải mua lại. Mong Nhà nước xem xét cho người dân.”
Nhìn rộng hơn, một số nhà nghiên cứu luật chỉ ra rằng, với những vướng mắc trong các thủ tục nhân thân khác - ví dụ cấp hộ khẩu, việc xử phạt xe chính chủ là một sự gây khó khăn. Và nút thắt ấy, người dân không tự cởi bỏ được!
Tiến sỹ Võ Trí Hảo, Khoa Luật Kinh tế - Đại học Kinh tế TP.HCM: “Thực tế ai cũng thích được đi xe chính chủ, vậy tại sao trên đường lại nhiều xe không chính chủ? Điều đó chứng tỏ hoặc có xe chính chủ quá khó khăn thậm chí bất khả thi hoặc để chuyển đổi thành xe chính chủ họ phải trả rất đắt. Những quy định về hộ khẩu thường trú hiện nay nó rất bất hợp lý, làm cho người ta có được cái xe chính chủ rất khó. Tôi chưa đi sâu vào vấn đề này nhưng chuyển nhượng xe thì phải sang tên. Điều đó là chính xác, không ai phản đối nhưng cần thi hành một cách đồng bộ. Khi gỡ bỏ tất cả những khó khăn về hộ khẩu cho người dân rồi mới tính chuyện xử phạt thì người ta sẽ hài lòng. Khi việc đăng ký xe chính chủ dễ dàng thì không ai lách luật làm gì, còn bây giờ - khi chưa gỡ bỏ những khó khăn đó mà tiến hành phạt thì vô hình trung đẩy người dân - đặc biệt những người sống nhập cư ở các thành phố lớn vào tình cảnh khó khăn.”
Cư dân mạng - một đối tượng có khả năng lan truyền thông tin rất nhanh, mạnh và ở tầm nhận thức cao, lập tức có những bình luận hóm hỉnh về câu chuyện “xe chính chủ”. Và không phải những phản biện này chỉ có giá trị bông đùa, chúng thực sự là một hình thức phản biện dựa trên những góc độ bất cập khi quy định còn chưa gần gũi với đời sống.
Trước những phản ứng nhiều chiều của báo chí và dư luận, Bộ Công an đã tổ chức 1 cuộc họp báo, giải thích rõ về phạm vi áp dụng của Nghị định 71, đặc biệt là điều khoản xử phạt xe không chính chủ.
Theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng Cục trưởng Cục quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Bộ Công an: “Theo Nghị định 141 của Tổng cục, hiện nay vẫn hướng dẫn anh em là trong quá trình tuần tra phát hiện giấy đăng ký không trùng với giấy phép lái xe, nhưng người lái xe trình bày là xe này tôi đi mượn, xe gia đình, xe đi thuê… thì chưa xử phạt. Tuy nhiên, sắp tới Bộ Công an sẽ có hướng dẫn khi xử lý những trường hợp này. Anh phải có gì đó để chứng minh rằng, xe này anh đi mượn, xe này xe gia đình.”
Tuy nhiên, trên thực tế, đã có những trường hợp CSGT xử phạt người tham gia giao thông vì lỗi xe không chính chủ. Điều này mâu thuẫn với chính giải thích của lãnh đạo Bộ Công an, và vì thế, khiến cho câu chuyện “xe chính chủ” 10 ngày sau khi áp dụng luật mới, vẫn là câu chuyện nóng hổi…
Nhiều quy định “vênh”
Trong bài viết có tựa đề Ở tạm trên đất nước mình Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Khoa Luật Kinh tế - Đại học Kinh tế TP.HCM đã chỉ ra rằng, những bất cập trong nhiều Luật, quy định thủ tục hành chính, đang khiến rất nhiều người dân gặp khó khăn trong với những điều kiện dân sinh cơ bản - như cư trú hay đi lại: “Về quy trình làm luật và các văn bản pháp luật hiện nay đã có quy định phải lấy đối tượng chịu sự tác động của các dự thảo. Thực tế người ta cũng lấy, nhưng ai là đối tượng chịu sự tác động lại do chính cơ quan soạn thảo quyết định. Bên cạnh đó, nhiều người có đóng góp nhưng sau đó không được phản hồi, không được giải trình, dù họ tin rằng ý kiến của họ là hay. Tất nhiên hay hay không thì còn phải xem xét, nhưng khi không được phản hồi, như ném hòn đá đi không có hồi âm lại, thì lần sau người ta không đóng góp nữa. Và khi đó, nhà làm luật tiếp tục làm luật trong phòng kín, không nghe hơi thở cuộc sống thì dẫn đến khi ban hành ra bắt đầu mới thấy vênh. Vênh thì báo chí mới lên tiếng, lúc đó họ mới giật mình.”
Thực tế, khái niệm “vênh” mà tiến sĩ Hảo nêu ra trong việc xây dựng và áp dụng luật, không phải Nghị định 71 là tiên phong. Chỉ điểm lại trong vài năm trở lại đây, có thể thấy không hiếm trường hợp tương tự.
Theo Nghị định 51/CP của Chính phủ, để được đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi mới, người chuyển đến phải có nhà ở hợp pháp. Nghĩa là phải có nhà thuộc sở hữu của mình, có quyết định phân nhà, hợp đồng thuê hoặc được chủ hộ đồng ý cho ở trong căn nhà hợp pháp. Nhưng mặt khác, để được cấp sổ đỏ người ta lại phải trình ra sổ hộ khẩu. Cái vòng luẩn quẩn và vô lý này đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người nhập cư từ ngoại tỉnh. Tình hình chỉ thay đổi khi Nghị định 56/2010/NĐ-CP công nhận chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ với diện tích tối thiểu 5m2.
Ngày 16/5/2012, Bộ Công an ban hành Thông tư số 27/2012/TT-BCA quy định về mẫu Chứng minh nhân dân; trong đó tại Điểm b, Mục 2, Điều 3 có nêu nội dung đặc điểm thân nhân gồm: "Họ và tên cha; họ và tên mẹ". Ban đầu, mẫu chứng minh thư mới này được cấp thí điểm áp dụng tại ba quận ở Hà Nội. Tuy nhiên, trước rất nhiều ý kiến cho rằng cách làm này là xâm phạm bí mật đời tư, cuối tháng 8/2012, Bộ Công an quyết định tạm ngừng triển khai. Dẫu vậy, hiện nay mẫu chứng minh thư nhân dân mới có đề họ tên cha mẹ vẫn được chính thức áp dụng.
Điển hình nhất của việc ban hành quy định rồi lại thay đổi, đó là những quy định của ngành giao thông Hà Nội. Riêng chuyện về các dải phân cách đã là một “trường thiên tiểu thuyết”:
- Tháng 4/2009, Sở GTVT Hà Nội thực hiện kế hoạch tổ chức lại giao thông nội đô tại 66 nút ngã ba, ngã tư, sử dụng hệ thống dải phân cách và "barie" bịt tất cả các ngã ba, ngã tư có dấu hiệu ùn tắc. Theo cách lý giải của cơ quan chuyên môn là để "cưỡng bức giao thông". Tổng kinh phí để thực hiện giải pháp này là 27 tỷ đồng. Ban đầu giải pháp có vẻ hiệu quả vì đúng thời gian nghỉ hè, nhưng đến đầu năm học mới, học sinh sinh viên quay trở lại nhập học, tình trạng ùn tắc không những không thuyên giảm mà còn trầm trọng hơn. Cơ quan chức năng dẹp bỏ các barie, ngừng đợt thí điểm thứ nhất.
- Đến tháng 11/2010, Sở GTVT lại đem rào phân cách đến bịt nút giao thông ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ (nút giao thông này vốn một lần bị bịt lại rồi sau đó phải dỡ bỏ rào chắn). Chỉ hơn tiếng đồng hồ sau khi hàng rào bịt ngã tư tái lập, giao thông tại đây bị ùn tắc nghiêm trọng, buộc cơ quan chức năng đành dỡ bỏ một phần hàng rào.
Cứ như vậy, việc mang rào ra để rồi lại mang vào còn tái diễn vài lần cho đến gần 1 năm sau mới chấm dứt hẳn.
- Đến cuối tháng 9/2011, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục có sáng kiến cho đặt các giải phân làn với các cột biển báo ở 5 tuyến phố chính. Chỉ nửa tháng sau đó, người tham gia giao thông thủ đô phản đối dữ dội vì tai nạn do người tham gia giao thông va quệt vào chính những dải phân cách và cột biển báo này tăng vọt. Tuy nhiên, kết cuộc câu chuyện này, là Sở GTVT Hà Nội vẫn tiến hành triển khai trên diện rộng, với câu trả lời chính thức cho báo giới và dư luận rằng: Đây không phải là triển khai thí điểm!

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội phát biểu: “Chúng tôi là người trong cuộc và chúng tôi khẳng định: Không còn cách nào khác là cưỡng bức giao thông. Nhiều lần thành quen!”.

Thời điểm này, tháng 11/2012, tức là sau một năm chi ra hơn 23 tỷ đồng để tiến hành phân làn thêm và lại trên một số tuyến phố, tình hình giao thông không những không được cải thiện mà đang có chiều hướng lộn xộn hơn trước khi phân làn. Nguy hiểm hơn cả là cảnh xe máy và xe buýt thậm chí cả ô tô con tranh làn của nhau xảy ra tràn lan, gây ra nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Còn có thể nhắc tới hàng loạt quy định thiếu thực tế khác, đã gặp phải phản ứng mạnh của công luận, dẫn tới phải sửa đổi, thậm chí hủy bỏ, như quy định về tiêu chuẩn vòng ngực dưới 72cm không được cấp bằng lái hạng A1; hay quy định thay đổi giờ học, giờ làm từng gây nhiều xáo trộn trong thời gian đầu vì chưa có sự đồng thuận của người dân.
Tiến sỹ Võ Trí Hảo cho rằng, việc ban hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật cần tính toán rất kỹ đến các yếu tố khách quan, đặc biệt là lòng dân. Bởi nếu không, cái giá đổi lại sẽ không chỉ là những tổn thất về kinh phí thực hiện: “Nếu ban hành những chính sách pháp luật mà không hợp lý thì chi phí thi hành rất cao, trả giá xã hội rất cao, đó là còn nhẹ. Trường hợp thứ 2, nặng hơn, là tạo ra sự bất bình trong lòng dân. Và khi bất bình trong lòng dân tạo cơ hội cho những người chỉ trích Chính phủ người ta bám vào. Thứ 3, trong trường hợp sai lầm tương đối nghiêm trọng, thì buộc phải hủy và thu hồi thì chi phí soạn thảo, chi phí thu hồi, chi phí đính chính và đặc biệt là uy tín cũng giảm. Còn trường hợp thứ 4, ban hành xong, không hợp lý nhưng vẫn kiên quyết thi hành thì theo tôi có thể vì quyền lực Nhà nước mạnh, ép người dân người ta vẫn thi hành thôi, nhưng ở đâu đó người ta vẫn cố tình lách luật và khi đó cái ý chí, lợi ích của Nhà nước vênh với ý chí, lợi ích của người dân, theo tôi như thế thì cái cơ sở chính trị của Nhà nước nó không được vững vàng như trước.”
Tin bài liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước