Sau nhiều lần di dời bến thủy Hồ Tây không thành công, Hà Nội đã quyết tâm giải tỏa các nhà nổi, du thuyền bằng nhiều biện pháp cứng rắn. Tuy nhiên, đến nay nhiều du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây vẫn "án binh bất động", dù đã quá hạn gần 1 tuần buộc di dời về bến mới ở Đầm Bảy phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
Đặt rào chắn trước lối ra vào, ngừng cung cấp dịch vụ điện nước là biện pháp mà TP Hà Nội đã thực hiện để di dời các du thuyền, nhà nổi ở Hồ Tây. Trước những biện pháp quyết liệt của Hà Nội, các đơn vị hoạt động bến thủy nội địa đã phải dừng kinh doanh nhưng phương tiện không thể di dời bởi bến mới chưa phân vị trí và chưa có cầu cảng neo đậu phương tiện.
Năm 2009, toàn bộ tàu thuyền, nhà nổi neo đậu phía đường Thanh niên đã được yêu cầu di chuyển để phục vụ công tác quy hoạch bến thủy. Mặc dù bến mới tại khu vưc Đầm Bảy được xác định sau 2 năm, tuy nhiên, việc xây dựng đến nay vẫn chưa được triển khai. Di dời là một chủ trương đúng đắn nhằm giải quyết vấn đề an ninh trật tự, cảnh quan, môi trường mặt nước hồ Tây nhưng tình trạng phát sinh nhiều du thuyền, nhà nổi hoạt động trái phép một phần cũng xuất phát từ sự chậm trễ, không đồng bộ trong cách xử lý của Hà Nội.
Đi không được, ở không xong là thực trạng của các nhà nổi, du thuyền trên Hồ Tây trước quyết định di dời của TP Hà Nội. Gần 7 năm để thực hiện một chủ trương không phải là ngắn và dù rất quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp nhưng không vì thế mà việc di dời có thể thành công.
Trong 13 đơn vị hoạt động bến thủy nội địa hiện nay ở Hồ Tây, 5 đơn vị với 4 du thuyền và hơn 100 phương tiện như xuồng, xe đạp nước đủ điều kiện hoạt động. Sở GTVT Hà Nội cho biết để hoàn thành bến mới nhanh phải mất vài tháng, còn chậm thì chưa biết khi nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị đủ điều kiện sẽ không biết bao giờ mới được trở lại hoạt động kinh doanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!