Rượu tự nấu hay còn gọi "rượu quê", vốn được nhiều người ưa chuộng vì khẩu vị quen thuộc và giá cả phải chăng. Song từ nhiều năm nay, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm soát chất lượng loại rượu này tồn tại nhiều bất cập. Đặc biệt, hiện nay không có cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng rượu tự nấu.
Vấn đề này càng trở nên bức xúc hơn, khi mà gần đây liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu tập thể khiến nhiều người thiệt mạng.
Một cơ sở tại xã Xuân Quang, Bảo Thắng, là nơi cung cấp hàng nghìn lít rượu mỗi tháng cho các nhà hàng quán ăn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hoạt động cả chục năm nay nhưng cơ sở không có bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, từ năm 2013 Chính phủ đã ban hành Nghị định 94 về sản xuất, kinh doanh rượu. Theo đó, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh đều phải có giấy phép sản xuất, sản phẩm phải có nhãn mác, đăng ký kinh doanh tại địa phương. Tuy nhiên sau 4 năm, hầu hết các địa phương đều không thực hiện quy định này.
Rượu là một loại thức uống đặc biệt, yêu cầu có độ tinh khiết cao, vì thế phải tuân thủ quy định chưng cất đặc biệt, thế nhưng lâu nay từ nông thôn đến thành thị, hầu hết đều bị bỏ qua. Có một thực tế đó là cơ chế xử phạt người nấu rượu kém chất lượng chỉ bị xử phạt hành chính, nhưng những hậu quả mà nó gây ra lại là tính mạng con người.
Theo thống kê, Việt Nam là nước tiêu thụ rượu tính theo tỷ lệ đầu người cao hàng đầu thế giới. Đặc biệt, uống rượu tự nấu thủ công đã trở thành một tập quán và thói quen của nhiều người. Vì vậy bên cạnh sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, kiểm tra, đảm bảo chất lượng rượu, quan trọng hơn người dân cần nâng cao nhận thức trong công tác chấp hành các quy định về sản xuất, buôn bán và thói quen sử dụng rượu an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!