40% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia. Con số này vẫn thường xuyên được nhắc đến như là lời cảnh báo về những mối nguy phát sinh từ tình trạng uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, nhiều lý do, cho đến thời điểm này việc ngăn chặn tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vẫn là khó. Điều này xuất phát từ cả hai lý do: Biện pháp ngăn chặn chưa đủ mạnh và thói quen uống rượu bia khó từ bỏ ở không ít người.
‘ Ảnh minh họa
Theo nghị định 71 về mức phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, người điều khiển ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng. Đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy, hành vi vi phạm này bị phạt từ 2-3 triệu đồng.
Quy định đã có, các biện pháp xử phạt cũng đã thực hiện nhưng, vi phạm uống rượu bia điều khiển phương tiện vẫn tái diễn. Thực tế, đang có một nghịch lý là mức xử phạt hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện không thấp, nhưng cho đến thời điểm này nhiều người lại không hề e dè mức xử phạt. Lý do chính ở chỗ, việc xử phạt lỗi uống rượu bia rất khó thực hiện.
Thượng tá Nguyễn Tiến Diệu - Phó trưởng phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Phú Yên phản ánh: “Chung gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý các trường hợp vi phạm bởi rất ít người hợp tác để đo nồng độ cồn…”
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, tại khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện, đã có rất nhiều trường hợp nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện liên quan đến rượu bia. Các y, bác sĩ khẳng định những nạn nhân này thường gặp nhiều phức tạp trong quá trình cấp cứu, điều trị.
Ai đó từng chứng kiến cảnh đời sau tai nạn giao thông mới thấm thía rằng: Đã uống rượu bia thì không nên điều khiển phương tiện. Do đó, để giảm được số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến bia rượu trước hết phải ở ý thức của người tham gia giao thông, ý thức của cá nhân mỗi người điều khiển phương tiện.