Khó xử các vụ xâm hại tình dục trẻ em vì vướng luật

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 06/04/2017 22:08 GMT+7

VTV.vn - Theo thống kê, nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em không thể xử lý do vướng mắc về pháp lý.

Các vụ xâm hại tình dục trẻ em ở nước ta có xu hướng gia tăng khoảng 20%/năm. Trung bình cứ 8 giờ đồng hồ lại có 1 trẻ bị xâm hại tình dục. Con số này trên thực tế có thể còn nhiều hơn, khi có những vụ việc, người bị hại chọn cách im lặng hoặc thỏa hiệp, thay vì lên tiếng. Điều đau lòng là có gần một nửa số vụ việc, tòa án phải trả hồ sơ vì không đủ bằng chứng hoặc chứng cứ pháp y.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra thời gian gần đây đều trong tình trạng là các cơ quan tư pháp và gia đình nạn nhân gặp nhiều khó khăn khi thụ lý vụ án cũng như tố giác tội phạm.

"Đầu tiên là các vụ việc thường mắc vấn đề xử lý chậm. Trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em, do hệ thống pháp luật có nhiều bộ luật liên quan đến tố tụng, hỗ trợ tư pháp còn nhiều khoảng trống, thiếu cụ thể nên việc tiếp nhận chậm. Vấn đề thứ hai là trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em rất khó tìm, lưu giữ, bảo quản chứng cứ để xác minh vụ việc đúng nhất, không để xử oan, không để lọt tội phạm và xử lý kịp thời. 

Vấn đề thứ ba là trong quá trình tố tụng, giám định chúng ta đã vô tình gây tổn hại cho nạn nhân một lần nữa, gây bức xúc trong dư luận xã hội, khó khăn cho gia đình nạn nhân và chính nạn nhân nên có nhiều vụ việc đau lòng xảy ra", ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Theo ông Đặng Hoa Nam, để giúp giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, cơ quan chức năng cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, trước hết là bộ Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Giám định tư pháp trong đó có nội dung về giám định pháp y. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần rà soát luật xử lý vi phạm hành chính bởi đây là cơ sở để xử lý những cá nhân và cơ quan không làm hết trách nhiệm, thẩm quyền của mình hoặc chậm trễ trong việc xử lý vụ việc xâm hại trẻ em, trong khi những điều đó đã được quy định trong Luật Trẻ em.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước