Bà Lương Thị Hội (cựu thanh niên xung phong Đại đội 915) vừa mừng, vừa tủi kể những câu chuyện về Đại đội 915, Đội 91 thanh niên xung phong Bắc Thái. Mừng vì Đại đội đã được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang sau 37 năm chờ đợi và công trình tưởng niệm những đồng đội ngã xuống được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Tủi vì mỗi lần về quê là mỗi lần đẫm nước mắt.
Cuối tháng 12/1972, trong một chiến dịch ném bom B52 mang mật danh Linebacker II - chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh xâm lược Việt Nam tấn công vào Hà Nội và các vùng phụ cận, Thái Nguyên là một trọng điểm bị phá hủy. Trong phút chốc, loạt bom trúng khu vực hầm trú ẩn đã cướp đi mạng sống của 60 thanh niên xung phong, 23 nữ, 37 nam, chủ yếu người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Bắc Thái cũ.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: "Thái Nguyên có một vị trí chiến lược rất là quan trọng, là đầu mối giao thông để tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa. Và ở Thái Nguyên thì có một địa điểm được coi là một trong hai "cảng nổi". Đó là cái ga Lưu Xá, cùng với ga Tu Đồn của Lạng Sơn. Trung bình một ngày có khoảng 100 xe vận tải tiếp nhận hàng từ ga Lưu Xá trung chuyển về Hà Nội đưa vào các chiến trường miền Nam".
Nhờ vị trí trọng yếu đó, đảm bảo giao thông vận tải được xác định là "một mặt trận chiến đấu" đối với tỉnh Bắc Thái, trong đó thanh niên xung phong giữ vai trò quan trọng. Trong một lần làm nhiệm vụ, 60 người con của núi rừng Việt Bắc đã không trở về. Sự hy sinh ấy đã viết thêm một huyền thoại về thanh niên xung phong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!