Sáng 18/1 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) đã diễn ra Phiên họp Nữ nghị sĩ. Chủ trì phiên họp gồm có Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức APPF-26 Tòng Thị Phóng và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai.
Tham dự phiên họp còn có bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn 80 nghị sĩ đến từ 23 Nghị viện thành viên APPF. Đặc biệt, phiên họp còn có sự tham dự của ông Saber H. Chowdhury, nguyên Chủ tịch Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và ông Martin Chungong, Tổng thư ký IPU.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam và các nước trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của một xã hội. Trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến 2030 (SDG 2030), bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (SDG5) vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch APPF-26 Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng của Việt Nam và các nước trên thế giới. Ảnh: Trọng Đức
Quốc hội Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà, đã lựa chọn chủ đề của Hội nghị nữ Nghị sĩ là "Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung" với mong muốn đây là diễn đàn để các nữ nghị sĩ thảo luận về vai trò của nghị viện trong việc hiện thực hóa các cam kết quốc tế, thể chế hóa trong pháp luật quốc gia, đồng thời đưa Hội nghị Nữ nghị sỹ - một cơ chế chưa chính thức trở thành cơ chế định kỳ của APPF thông qua việc sửa đổi Quy chế hoạt động của APPF. Việc thảo luận càng có ý nghĩa hơn khi nội dung của phiên họp gắn với chủ đề chung của APPF-26 đó là "Quan hệ đối tác nghị viện vì Hòa bình, Sáng tạo và Phát triển bền vững", là sự tiếp nối và phát huy kết quả của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC- 2017 với chủ đề "Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi"đã được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, Việt Nam năm 2017.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam từ trước tới nay. Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản pháp luật khác của Việt Nam đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và nữ. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam và mục tiêu bình đẳng giới của Diễn đàn nghị viện châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chặng đường phía trước đối với Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực vẫn còn nhiều thách thức. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hi vọng, trong thời gian diễn ra Hội nghị, các nghị sĩ sẽ trao đổi được nhiều thông tin và đưa ra các đề xuất, sáng kiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy bình đẳng giới ở mỗi quốc gia nói riêng, cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Phát biểu dẫn đề phiên họp, bà Trương Thị Mai, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định, vấn đề bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng thế giới hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Để thực hiện mục tiêu này một cách hiệu quả, Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, các nữ nghị sĩ có vai trò rất quan trọng, đó là: thực hiện vai trò đại diện, trước hết là bảo vệ quyền của phụ nữ, quyền trẻ em; thực hiện quyền lập pháp để góp phần có những thay đổi sâu rộng về pháp lý bảo đảm quyền của phụ nữ ở mỗi quốc gia. Các nữ nghị sỹ tham gia vào các khâu trong quy trình quyết định chính sách ở mọi cấp độ toàn cầu, khu vực, quốc gia, và trên mọi lĩnh vực; tham gia quyết định ngân sách, đảm bảo ngân sách có yếu tố giới; giám sát việc thực hiện các luật, chính sách có liên quan và quyết định những vấn đề quan trọng có liên quan đến bình đẳng giới.
Bà Trương Thị Mai, đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương phát biểu dẫn đề phiên họp.
Thay mặt đoàn Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trình bày tham luận liên quan đến chủ đề của phiên họp. Theo đó, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam luôn tin tưởng bình đằng giới chỉ có thể đạt được trên cơ sở các trụ cột là nâng cao nhận thức chung về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong công tác xây dựng pháp luật, trong các chương trình kinh tế xã hội của quốc gia. Thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận chủ động đối với vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó không chỉ là vấn đề công bằng xã hội mà còn là một phương tiện hiệu quả để thu hút triệt để tiềm năng của phụ nữ cho sự phát triển toàn diện của xã hội. Thái độ chủ động này đã được phản ánh một cách nhất quán cả trong và ngoài nước. Quốc hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để có những biện pháp khác nhau và đạt được những kết quả đáng kể trong lĩnh vực này.
Tại phiên họp, đã có 17 tham luận của các đại biểu đến từ các nghị viện thành viên APPF. Các ý kiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với phát triển bền vững và thịnh vượng, sự cần thiết của thúc đẩy bình đẳng giới ở tầm quốc gia, khu vực và thế giới.
Các đại biểu cũng đã chia sẻ những bài học thành công về bình đẳng giới cũng như các khó khăn, thách thức mà phụ nữ phải đối mặt; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để mỗi đại biểu có thể tìm thấy những điểm chung để nghiên cứu, học hỏi, đưa ra tiếng nói chung, quyết tâm chung và phối hợp hành động vì các mục tiêu chung.
Cũng trong phiên họp, trên cơ sở đề xuất của đại diện Nghị viện Nhật Bản, các đại biểu đã thảo luận, nhất trí với đề nghị bổ sung cơ chế Hội nghị nữ nghị sĩ APPF trong Quy chế hoạt động mới của APPF. Các nghị viện thành viên sẽ cử đại diện tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp vào quá trình hoàn thiện văn bản tại Ủy ban soạn thảo để Quy chế này được thông qua tại Phiên họp thứ 4 của Diễn đàn APPF-26.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại phiên họp
Kết luận phiên họp, thay mặt Chủ tọa, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định phiên họp này rất có ý nghĩa, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của APPF, đặc biệt đã thể hiện sự đồng thuận cao về việc chính thức hóa phiên họp Nữ nghị sĩ tại mỗi kỳ họp thường niên của APPF bằng việc bổ sung Quy chế APPF. Đồng thời, Phó chủ tịch thường trực tin tưởng rằng, Hội nghị thường niên của APPF sẽ đáp ứng kỳ vọng của các nữ nghị sĩ trong khu vực về một cơ chế hữu hiệu trao đổi, thảo luận, góp phần giải quyết những vấn đề các nữ nghị sĩ trong khu vực quan tâm. Đối với 5 dự thảo Nghị quyết liên quan đến các vấn đề bình đẳng giới, Phiên họp thống nhất giao cho Nhóm công tác về các vấn đề bình đẳng giới của APPF-26 thảo luận chi tiết về nội dung của các dự thảo.
Các đại biểu tham dự phiên họp
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!