Thầy và trò Trường THCS Bùi Hữu Nghĩa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) ) tham quan tượng Bùi Hữu Nghĩa. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa sinh năm 1807, mất năm 1872, là quan nhà Nguyễn, nhà thơ và nhà soạn tuồng Việt Nam. Mặc dù thông minh và chăm chỉ, vì nhà quá nghèo nên Bùi Hữu Nghĩa chỉ theo học chữ Hán được mấy năm. Sau vì mến tài ông, một nhà giàu cùng xóm họ Ngô giúp ông lên Biên Hòa ngụ tại nhà Hộ trưởng Nguyễn Văn Lý (về sau được ông Lý gả con cho) và theo học với thầy Đỗ Hoành. Năm 1835, ông đỗ Giải nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương ở Gia Định, vì thế ông được gọi là Thủ Khoa Nghĩa.
Sau khi đỗ, Bùi Hữu Nghĩa ra Huế dự thi Hội nhưng bị trượt. Tuy vậy, ông vẫn được triều đình cho tập sự ở bộ Lễ, sau đó được bổ làm Tri huyện Phước Chính, thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Với bản tính liêm chính, Bùi Hữu Nghĩa không được quan trên ưa và ông bị đổi làm Tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long) dưới quyền của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Ở nơi mới, Bùi Hữu Nghĩa cũng không được lòng quan trên vì có lần ông cho đánh đòn em vợ Bố chánh Truyện bởi thói xấc láo. Nhân vụ Láng Thé, ông bị họ khép tội chết.
Ông luôn là tấm gương đấu tranh chống áp bức, bất công, bênh vực dân nghèo chống tham quan ô lại và được coi là một trong "bốn rồng vàng Nam Bộ" như trong câu ca dao bất hủ được dân gian lưu truyền:
"Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!