Sau khi bị máy bay Mỹ đánh sập phần trung tâm trong chiến dịch không kích 12 ngày đêm cuối năm 1972, tòa nhà chính với mặt tiền kéo dài hàng trăm mét dọc đường Lê Duẩn của ga Hàng Cỏ hầu như không thể sử dụng tiếp. Xây dựng lại từ đống đổ nát, ga Hàng Cỏ được đổi tên thành ga Hà Nội và trở thành ga vận chuyển hành khách lớn nhất cả nước.
Những người lính, những người phụ nữ tay cầm quà, đầu đội mũ rộng vành và rất nhiều những trang phục sáng màu. Rất dễ nhận ra, họ đều là người miền Nam ra và họ đã mang đến một hình ảnh hoàn toàn tươi mới trên sân ga Hà Nội. Sau khi miền Nam được giải phóng, nhu cầu đi lại giữa hai miền Nam Bắc tăng mạnh. Nhà ga phải xây thêm sân ga và tăng thêm tàu chở khách, tăng số chuyến lên 25 chuyến mỗi ngày.
Ông Nguyễn Ngọc Truy - Nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế, Tổng cục Đường sắt cho biết: "Từ sau năm 1975, sau thống nhất, ga được khôi phục, lượng khách rất đông. Khi đó còn bao cấp nên người đi tàu có 1 hạng vé (lên tàu tự tìm chỗ ngồi). Vì thế, lượng khách thường gấp rưỡi sức chứa. Lên tàu toàn phải đứng".
Tuyến Hà Nội - Sài Gòn dài 1680km. Ngoài tiền vé tàu, người dân phải bỏ thêm tiền đi ô tô chặng đường từ Vinh vào đến Huế. Chuyến tàu cuối cùng đi Vinh, Huế, Sài Gòn xuất phát lúc 5h chiều một chiều cuối năm. Sân ga số 1 chật ních người đi, người tiễn. Đoàn tàu có 12 toa đầy chật khách và đa số đều là những hành khách hết sức đặc biệt. Họ là những cán bộ ngoài Bắc được cử vào Nam công tác, là những công nhân viên được tăng cường xây dựng, khôi phục kinh tế sau giải phóng, là những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc giờ mới có điều kiện quay về thăm thân sau bao năm xa cách vì chiến tranh.
Đoàn tàu rời sân ga Hà Nội mang theo nhiều nỗi nhớ mong khắc khoải và cả những háo hức, mong chờ về một chuyến tàu nối liền một dải Bắc – Nam trong một ngày không xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!