Nhiều ngày qua, các cánh rừng trên địa bàn xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei quản lý liên tục bị lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Điều đáng nói là nhiều cây gỗ to, quý hiếm đã bị lâm tặc đốn hạ trái phép, vận chuyển công khai ngang nhiên giữa ban ngày, nhưng chính quyền và chủ rừng không hề hay biết.
Chỉ trong thời gian một tiếng đồng hồ, phóng viên VTV đã ghi nhận nhiều lượt xe độ chế ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu được xẻ vuông vắn từ rừng về các khu dân cư trên địa xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei. Để có thể đưa gỗ ra khỏi rừng, tất cả các xe đều phải qua các trạm Quản lý bảo vệ rừng.
Trò chuyện với phóng viên VTV, ông A Díp - Làng Đăk Brõi, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, cho biết: “Mỗi lần chở gỗ ra khỏi rừng tôi thường đưa 100.000 đồng. Gặp ai tôi đưa cho người đó”.
Mỗi khúc gỗ chở ra khỏi rừng bán được từ 400.000-600.000 đồng. Đây là một khoản thu nhập không nhỏ đối với nhiều người, nhưng chẳng thấm vào đâu so với thiệt hại từ việc mất rừng.
Trong lúc rừng bị tàn phá và gỗ trái phép được vận chuyển công khai ngay trước cổng trạm Quản lý bảo vệ rừng, đại diện chủ rừng - Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei vẫn không hề hay biết.
“Thực tế, chúng tôi chưa phát hiện được vụ nào, chưa bắt được vụ nào và cũng không có trường hợp khai thác gỗ nào đi qua đây”, ông Nguyễn Hữu Thành - Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Glei khẳng định.
Cách đây 3 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên Tây Nguyên. Chủ tịch UBND các tỉnh phải có trách nhiệm đối với các vụ mất rừng trên địa bàn; cán bộ kiểm lâm phải phối hợp với chủ rừng để ngăn chặn việc phá rừng ngay tại rừng, mà không phải ra đứng ở quốc lộ để chặn xe. Tuy nhiên, tại Kon Tum, gỗ lậu vẫn được đưa ra khỏi rừng một cách ngang nhiên . Điều này cho thấy sự buông lỏng trong quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn các địa phương có rừng đã ở mức báo động.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online.