Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới một sự kiện có thể được gọi là hy hữu, đó là hàng chục hộ dân đang sinh sống tại Làng cổ Đường Lâm ký đơn gửi các cơ quan chức năng xin trả lại danh hiệu Di tích cấp Quốc gia, với lý do họ đang phải sống quá gò bó dưới những quy định chặt chẽ của Luật Di sản bảo vệ di tích. Một lần nữa, sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển lại được đặt ra và trên thực tế, đây là bài toán không dễ có lời giải.
Theo Luật Di sản, những người dân tại Làng cổ Đường Lâm muốn xây nhà phải thực hiện một hành trình thủ tục qua nhiều cấp: Từ Thị xã Sơn Tây, tới Cục Di sản xin thỏa thuận, sau đó lại quay về Sở Xây dựng Hà Nội xin cấp phép. Cách làm ấy không được nhiều người dân đồng tình, bởi nhu cầu về chỗ ở và được sống bình thường đang là đòi hỏi như cơm ăn, nước uống.
Bà Trịnh Thị Thuần, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội bức xúc: "Thứ nhất là người dân làm nhà không được theo ý muốn, nhưng lãnh đạo thì lại được. Thứ hai, khách về làng cổ thì bán vé, nhưng không dùng vào mục đích là trùng tu làng cổ, không hiểu tiền đấy đi đâu vì có một đoạn cống bị hỏng chúng tôi cũng vẫn đóng tiền để sửa".
Quan điểm bảo tồn theo kiểu "giữ nguyên hiện trạng" đang đẩy Làng cổ Đường Lâm với 6.000 người sinh sống trong đó tới nhiều khó khăn trong cuộc sống: Nhà dột nát không được sửa chữa, con cái lớn không có chỗ dựng vợ gả chồng... đề án cấp đất giãn dân được chính quyền đưa ra từ năm 2006 đến nay cũng không thực hiện được.
Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết: "Khi chưa có quy hoạch thủ đô thì TP.Hà Nội chấm đất giãn dân, sau đó có quy hoạch, đường 32 và vành đai 5 lại đi đúng vào khu quy hoạch giãn dân. Viện Quy hoạch Kiến trúc và Sở Kiến trúc không đồng ý... đấy chỉ là một trong những ví dụ để thấy sự khó khăn".
Dòng họ của ông Hà Kế Toán đã ở Đường Lâm 20 đời (tức khoảng 400 năm). Ông đưa ra quan điểm, bảo tồn Làng cổ Đường Lâm nghĩa là phải tôn trọng những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể chứ không thể tập trung vào vài ngôi nhà cổ. Một vấn đề nữa đó là sự minh bạch về tài chính. Năm 2012, Đường Lâm đón 12 vạn du khách đã thu về 2,4 tỷ đồng, số tiền đó theo như dân làng là không quay lại hỗ trợ được gì cho làng cổ.
"Chúng tôi rất suy nghĩ vì người dân là những người “trồng cây”, tức là tạo ra làng Đường Lâm, nhưng lại không được “hái quả”, không được thụ hưởng thành quả từ ngôi làng", ông Hà Kế Toán nói.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VH-TT&DL cho rằng: “Câu chuyện này cho thấy mối quan hệ giữa những người dân và cơ quan quản lý có vấn đề, còn có trục trặc ở đâu đó. Trên thực tế, chỉ khi nào người dân xác định được lợi ích của mình gắn liền với di tích thì mới bảo vệ được di tích hiệu quả nhất".
Ngày 15/5/2013, tại Đường Lâm, chính quyền Thị xã Sơn Tây và Sở VH-TT&DL đã có buổi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của bà con trong làng. Những bức xúc một lần nữa lại được công khai hóa và cũng chưa có lời giải nào được đưa ra. Gần 10 năm được công nhận Di tích cấp Quốc gia, người dân Đường Lâm vẫn chưa biết làm gì để có thể kiếm sống từ du lịch. Mọi thứ vẫn còn tự phát và tạm bợ... chỉ có một vài gian hàng nhỏ với những sản phẩm mua từ nơi khác mang về bán. Không sống được từ di tích nên người dân cũng sẽ chẳng mặn mà với những danh hiệu.