Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều trường đại học và nhiều tiến sĩ trên thế giới; tỷ lệ sinh viên/dân thuộc top cao của khu vực. Thế nhưng, năng suất lao động của người Việt đang ở mức thấp nhất trong khu vực.
Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một dự báo thẳng thắn, với tốc độ tăng năng suất lao động tại Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 5%/năm, phải 20 năm nữa Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, và 50 năm nữa mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.
Nếu so sánh năng suất lao động cụ thể của từng lao động Việt Nam so với các nước lân cận, năng suất lao động của người Việt không thua kém, thậm chí trong nhiều lĩnh vực tay nghề còn trội hơn. Nhưng điều khiến cho năng suất lao động thấp lại không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng, tay nghề hay trình độ của mỗi người lao động mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Theo thống kê, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm gần 68% với gần 40 triệu người; còn lao động phi chính thức lên đến hơn 58% tổng số lao động của Việt Nam.
Năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 33 triệu đồng/lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112 triệu đồng/lao động; khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng/lao động.
Vất vả quanh năm trên 2,2 ha ruộng lúa và chè, vợ chồng anh Hiếu (Hà Giang) chỉ thu nhập khoảng 50 triệu đồng, tức mỗi lao động chỉ thu khoảng 25 triệu đồng/năm. Cứ nông nhàn, anh Hiếu lại về xuôi hoặc sang Trung Quốc làm thêm vài tháng rồi trở về.
Một so sánh đơn giản, cũng từ nông thôn, nhưng những công nhân may hay điện tử đang có thu nhập bình quân tới 7 triệu đồng/tháng, tức gấp 2, thậm chí gấp 3 thu nhập làm nông nghiệp. Nhưng cả ngành may và ngành điện tử luôn thiếu lao động quanh năm dù mức độ tuyển dụng chỉ là trình độ phổ thông.
Tỷ lệ lao động nông nghiệp và lao động phi chính thức quá lớn đang kéo năng suất lao động Việt Nam còn thấp hơn cả Lào và Campuchia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!