Bất chấp mối lo có thể lây nhiễm dịch bệnh COVID-19, dòng người thất nghiệp vẫn xếp hàng dài trước Trung tâm việc làm ở bang Arkansas, Mỹ để nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Đây là tình cảnh trở nên quen thuộc tại các trung tâm việc làm trên khắp nước Mỹ trong những ngày này. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khoảng 30 triệu người đã bị mất việc làm, cứ 6 lao động Mỹ thì có 1 người mất việc, con số kỷ lục trong lịch sử.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ, hàng không dân dụng, du lịch. Để chung sống hiệu quả với COVID-19, nhiều lĩnh vực đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động trực tuyến. Thương mại điện tử cũng được dịp bùng nổ và thanh toán điện tử được ưa chuộng.
Nhiều doanh nghiệp, công ty đã kích hoạt chế độ làm việc tại nhà với những cuộc họp trực tuyến qua Skype, giao và quản lý đầu việc qua WeWork, trao đổi qua Email, Viber hay Zalo. Để thích ứng với đòi hỏi mới, đòi hỏi các lao động phải tự trang bị các kỹ năng để sử dụng hiệu quả những thiết bị, phần mềm trực tuyến hỗ trợ công việc .
Các chuyên gia dự báo dịch COVID-19 cũng khiến nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này cho thấy nếu người lao động biết đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin thì có thể dễ dàng thích ứng với nhu cầu của xã hội cũng như tình hình dịch bệnh.
Dịch COVID-19 đang đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng thấy từ sau Thế chiến thứ hai và đang tác động sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu. Dưới hình thức này hay hình thức khác, virus Corona đang ảnh hưởng đến hơn nửa lực lượng lao động trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó khi có tới gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Người mất việc làm, ngừng việc, nghỉ không lương hoặc may mắn thì được đi làm luân phiên 2-3 ngày/tuần... Cuộc sống của những công nhân đã khó lại càng khó hơn.
Đồng hành, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động, Tháng công nhân được triển khai theo hướng "Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định". Người lao động khó khăn đã và đang nhận được hỗ trợ từ công đoàn các cấp trên cả nước với nhiều hình thức nhằm san sẻ, giúp họ vượt qua giai đoạn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!