Quy định dừng hoạt động của các bến đò, phà trên sông Văn Úc và buộc phải cách ly y tế 14 ngày đối với những lao động trở về từ tỉnh Hải Dương của TP Hải Phòng đang làm cho hàng nghìn lao động của chính Hải Phòng cùng nhiều DN đóng tại Hải Dương gặp khó khăn.
Trước đây, hàng ngày có tới hàng trăm công nhân ở các xã Vĩnh Lập, Thanh Cường, Thanh Quang, Thanh Hồng đi qua các bến đò, phà qua sông Văn Úc để sang làm việc tại các Công ty ở huyện An Lão và Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, chỉ còn số ít công nhân thuê trọ tại Hải Phòng có được việc làm, đa số còn lại do chi phí nhà trọ và sinh hoạt đắt đỏ, chọn giải pháp đi lại hàng ngày, đồng nghĩa với vài ngày trở lại đây, họ bị mất việc làm.
Việc thành phố Hải Phòng dừng hoạt động tất cả các bến đò, bến phà trên sông Văn Úc không chỉ gây khó khăn những lao động người Hải Dương đang làm việc ở Hải Phòng mà chắc chắn các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tại huyện Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương đang bị thiếu lao động do Hải Phòng Quy định toàn bộ công nhân trở về buộc phải cách ly y tế 14 ngày.
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn buộc phải cho lao động nghỉ việc nhưng tại huyện Tứ Kỳ, không ít doanh nghiệp gặp khó do thiếu công nhân lao động.
Do yêu cầu buộc phải cách ly y tế 14 ngày đối với lao động trở về từ tỉnh Hải Dương nên Công ty TNHH Nguyễn Thị Thanh Bình trụ sở tại xã Nguyên Giáp hàng ngày bị thiếu gần 100 lao động là công dân của các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng và An Lão, thành phố Hải Phòng. Việc thiếu lao động, khiến cho doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị nhỡ đơn hàng với đối tác Nhật Bản.
Cũng do thiếu nhân công lao động là công dân các công dân của thành phố Hải Phòng nên Công ty TNHH Bai Hong cùng trên địa bàn xã Nguyên Giáp đang phải ngừng hoạt động của 3 trên 6 dây chuyền sản xuất, khiến cho sản lượng hàng hóa sản xuất ra giảm mạnh.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất do thiếu lao động từ Hải Phòng trong dịp này là Công ty TNHH GFT Việt Nam tại địa bàn xã Cộng Lạc với gần 30 chuyền sản xuất đã phải dừng hoạt động. Trong số những người từ Hải Phòng không thể đến công ty, nhiều người là cán bộ quản lý sản xuất và văn phòng, khiến cho hoạt động điều hành của công ty cũng khó khăn.
Theo thống kê ban đầu, tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có khoảng 2.000 lao động người Hải Phòng. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc doanh nghiệp duy trì các đơn hàng, tạo việc làm cho người lao động là rất khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đang gặp khó do không có lao động.
Các doanh nghiệp mong muốn có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng giúp họ tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó, về lâu dài, từng doanh nghiệp cũng cần có chiến lược ưu tiên tuyển dụng, tạo việc làm cho lao động là người địa phương để tránh gặp phải khó khăn như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!