Lập 3 đoàn công tác tới các địa phương ứng phó với bão số 4

Khánh Nguyễn-Thứ tư, ngày 15/08/2018 18:26 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau bão số 4.

Tại cuộc họp ứng phó với bão số 4 vào chiều 15/8, Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương ứng phó với bão và mưa lũ sau bão số 4. Cụ thể, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề xuất 3 đoàn công tác, đoàn 1 sẽ kiểm tra Quảng Ninh, Hải Phòng; đoàn 2 kiểm tra Nam Đinh, Thái Bình, Thanh Hóa và đoàn 3 kiểm tra hệ thống đê sông.

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bão số 4 là cơn bão đặc biệt, hình thành hơn chục ngày nay, rất phức tạp. "Bão số 4 phức tạp về hướng đi, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng. Đến nay, chúng ta vẫn chưa khoanh vùng diện hẹp nơi cơn bão có khả năng đổ bộ, trong khi đó, chỉ 2 ngày nữa bão đã đổ bộ rồi. Hoàn lưu bão gây mưa trên diện rộng đi vào vùng vừa bị tổn thương bởi 2 trận mưa lịch sử", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Với tính chất cơn bão như thế, nếu chúng ta không quyết tâm phòng chống, ứng phó kịp thời thì hậu quả sẽ nặng nề".

Lập 3 đoàn công tác tới các địa phương ứng phó với bão số 4 - Ảnh 1.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai họp ứng phó với bão số 4.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, bão số 4 gây quan ngại nhất là lượng mưa lớn và hoàn lưu bão rộng. Mưa cấp tập sẽ từ đêm 16/8 đến hết ngày 18/8. Mưa trọng điểm sẽ ở khu vực các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hoá, Nghệ An.... với lượng mưa lên tới 250-350mm/đợt.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 15/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách Móng Cái 350km, cách Thái Bình 500km, cách Vinh 630km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 16h ngày 16/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái 210km, cách Thái Bình 270km, cách Vinh 410km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Lập 3 đoàn công tác tới các địa phương ứng phó với bão số 4 - Ảnh 2.

Đường đi và vị trí bão số 4

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 11. Biển động mạnh. Từ sáng sớm mai (16/8), ở phía Đông vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h ngày 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Lập 3 đoàn công tác tới các địa phương ứng phó với bão số 4 - Ảnh 3.

Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai lắng nghe các báo cáo trong cuộc họp.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu tăng cường thông tin, kêu gọi hướng dẫn tàu thuyền khai thác hải sản, tàu vận tải, tàu du lịch, lồng bè,.. về nơi trú tránh bảo đảm an toàn.

Chủ động thực hiện cấm biển, đặc biệt đối với hoạt động du lịch trên biển và trên các đảo.

Đảm bảo an toàn cầu cảng (Quảng Ninh, Hải Phòng), hầm lò, khu vực khai thác khoảng sản, hồ chứa bùn thải; sẵn sàng máy bơm để chống ngập úng khu đoạn đường tại Đèo Bụt ở Quảng Ninh;

Khẩn trương kiểm tra, rà soát các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản (chủ động cấm một số phương tiện di chuyển khi bão đổ bộ trên các cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh); cầu Tân Vũ (Hải Phòng); đảm bảo an toàn khu công nghiệp như ô tô VINFAST (Hải Phòng).

Đối với khu vực trên đất liền tổ chức chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây và sơ tán dân tại những khu vực có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp khi bão đổ bộ, khu vực ngập sâu ven sông, ven biển.

Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, yêu cầu chủ động tiêu nước đệm, đồng thời sẵn sàng vận hành các trạm bơm để tiêu thoát khi mưa lớn.

Với khu vực miền núi, triển khai ngay các lực lượng xung kích tại các thôn, bản kiểm tra, rà soát, hướng dẫn di dời dân cư hiện đang sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn....

Lập 3 đoàn công tác tới các địa phương ứng phó với bão số 4 - Ảnh 4.

Bộ trưởng - Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo ứng phó bão số 4.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, đối với tuyến biển dứt khoát yêu cầu các tỉnh trọng điểm cấm biển. Tuỳ tình hình, tỉnh nào đang gần cơn bão nhất cấm biển trước; đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, nhất là các tàu du lịch.

Đối với vùng đất liền có rất nhiều công trình lớn đang thi công, công trình nhà dân vì vậy Ban chỉ huy các tỉnh cần kiểm tra và thông báo về tình hình cơn bão để đảm bảo an toàn các công trình này.

Bên cạnh đó, đề phòng sạt lở ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Những nơi nguy cơ phải sơ tán dân cưỡng bức.

Đối các hồ thuỷ điện, thuỷ lợi, yêu cầu phân công người vận hành túc trực tại các điểm xung yếu.

Tất cả các điểm xung yếu đê điều cần được rà soát lại và tăng cường kiểm tra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước