Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Trụ trì chùa Trấn Quốc, Hà Nội cho rằng: “Đăng trà quả thực cúng dường nhưng cốt tâm phải thanh tịnh. Đến chùa phải hỏi trụ trì trước rồi mới lên chùa lễ Phật, cứ thích thế nào làm thế đấy là không hiểu Phật pháp. Chùa là nơi cần trang nghiêm, vào chùa không nhất thiết phải mang theo lễ vật, nếu muốn dâng cúng Phật mọi người có thể chuẩn bị nhưng không cần quá cầu kỳ”.
Đặt tiền giọt dầu và phát tâm công đức đã tồn tại từ lâu trong đời sống của người Việt. Xưa kia văn hóa lễ chùa là "giọt dầu, nén tâm hương" thanh cao, tốt đẹp. Ngày nay, có người đã hiểu nhầm rằng đến chùa "đa lễ thì đắc lộc" khiến cho việc đi chùa đầu năm mất đi nét đẹp vốn có, gây ra nhiều hành động phản cảm nơi chùa chiền.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhã: “Lịch sử văn hóa chùa có các sư trụ trì, từ tiền công đức các trụ trì sẽ tu bổ chùa, nhưng tiền phải cho vào hòm công đức cho trang nghiêm. Công đức đa thiểu tùy duyên, tùy mình, nhưng phải cung kính”.
Đến với cửa Phật là tìm về tỉnh thức và giác ngộ. Ý thức nơi thờ tự đức Phật là nơi để học hỏi những giáo lý nhà Phật và chuyển hóa thân, tâm, tạo ra cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm cho những người đi chùa.
Ông Caballero Antoine, Du khách Pháp nhận xét: “Khi đến thăm chùa, tôi cảm thấy Việt Nam rất giàu những giá trị văn hóa lịch sử, mọi người đi chùa với vẻ rất thành kính. Thật là tuyệt vời!”.
Giữ gìn nét văn hóa khi đến với lễ chùa cũng là cách để mỗi người dân trải nghiệm đời sống nội tâm sâu lắng hơn. Mỗi người dân, mỗi du khách hành hương khi đi lễ chùa đều tìm hiểu về di tích nơi mình đến, cách hành lễ sao cho đúng nơi, đúng cách thì đến chùa luôn là nét đẹp văn hóa phương Đông.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!