Sáng nay (26/3), tại Điện Invalides, Thủ đô Paris, Chính phủ Pháp đã tổ chức lễ đón trọng thể theo nghi thức dành cho nguyên thủ quốc gia đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp.
Chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt trong bối cảnh giai đoạn hiện nay, cả Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là một trong những cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang cải cách mạnh mẽ để vươn lên, tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với gần 100 triệu dân, có vai trò quan trọng trong ASEAN và Đông Á. Hai nước cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Vì vậy trên nền tảng thuận lợi của quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.
Việt Nam và Pháp tuy ở hai châu lục khác nhau nhưng có mối quan hệ rất đặc biệt với các gắn bó mật thiết về lịch sử, văn hoá và xã hội. Trong suốt 45 năm qua, Pháp luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Các mối quan hệ trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương phát triển ngày càng phong phú, đa dạng. Pháp là nhà tài trợ song phương hàng đầu châu Âu cho Việt Nam. Hàng trăm thoả thuận đã được ký kết giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của hai nước và hiện có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương cũng được mở rộng với sự tham gia của 20 địa phương Pháp và 15 tỉnh, thành Việt Nam.
Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là một cộng đồng lâu đời, lớn nhất trong số các cộng đồng người Việt tại châu Âu, gắn bó mật thiết với cả hai nước và luôn là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt - Pháp. Về kinh tế, Pháp là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở Tây Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt hơn 4.6 tỷ USD, Pháp cũng là một trong số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đến nay, Pháp đầu tư vào Việt Nam gần 3 tỷ USD với 513 dự án. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước chưa được khai thác hết. Kim ngạch trao đổi hàng hoá hai chiều vẫn còn khiêm tốn, chỉ bằng hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống, hai nước cũng đang hướng tới những hình thức hợp tác mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững thông qua các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu hay phát triển nông nghiệp. Những dự án xanh Việt - Pháp đang mang lại hy vọng cho những nơi mà cuộc sống của người dân Việt Nam bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu.
Nhìn lại kết quả trong quan hệ thời gian qua, có thể thấy, quan hệ Việt - Pháp đã vượt qua khuôn khổ quan hệ song phương và nằm trong khuôn khổ quan hệ giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam và nằm trong chính sách của Pháp đối với Đông Nam Á. Hai nước có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế lớn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy sự đa dạng văn hoá và vai trò của các thiết chế đa phương trong việc điều tiết, quản lý tiến trình toàn cầu hoá.
Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hội kiến Thủ tướng và lãnh đạo Quốc hội Pháp với mục tiêu trao đổi ý kiến sâu rộng và các phương hướng và biện pháp lớn nhằm xác xác lập khuôn khổ, định hướng và tạo động lực mới nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp, mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!