Hàng trăm thanh niên dẫm đạp lên nhau để cướp manh chiếu với mong muốn sinh được trai trong lễ hội Đúc Bụt vừa diễn ra tại Đền thờ Đức Bà, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc. Việc cướp chiếu tại lễ hội này đã có từ lâu, được người dân địa phương bảo lưu, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, những năm gần đây, ý nghĩa của lễ hội bị biến tướng khi hàng trăm nghìn người từ nhiều nơi đổ về, lao vào tranh cướp nhau những mảnh chiếu cói để cầu quý tử khiến hình ảnh tại lễ hội trở nên phản cảm.
Vào ngày Rằm hay mùng 1, đặc biệt là dịp đầu xuân, tại nhiều đền, đình, phủ luôn trở thành điểm nóng tâm linh cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Những lò hóa vàng thường cháy rực vàng mã. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đốt vàng mã cho người đã khuất ban đầu du nhập từ nước ngoài dần trở thành tục lệ truyền thống của người Việt với việc đốt chút tiền vàng để tưởng nhớ gia tiên.
Thế nhưng, ngày nay, cuộc sống hiện đại "phú quý sinh lễ nghĩa", những người đang sống tìm đủ mọi cách để "gửi đồ" cho người âm. Người ta đốt cả hình nhân thế mạng, nhà lầu, ngựa, voi, xe hơi, ti vi, tủ lạnh. Tâm lý "trần sao âm vậy" khiến nhiều vật dụng thời đại số như iPhone, iPad… cũng được gửi cho cõi âm. Đốt vàng giả, nhưng cũng chính là đốt… tiền thật. Cách đây 5 năm, thống kê sơ bộ riêng tại Hà Nội, hơn 400 tỷ đồng mỗi năm đã hóa tro.
Những lệch lạc trong tín ngưỡng đã từng gây nên nhiều lộn xộn, ảnh hưởng đến an ninh xã hội, đặc biệt là trong các lễ hội. Trong câu chuyện này, ý thức của mỗi người tham gia vô cùng quan trọng, bên cạnh đó, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cũng cần tăng cường để đảm bảo an toàn, văn hóa, văn minh.
Lễ hội là dịp để chúng ta tưởng nhớ công lao của cha ông mình, là dịp để để người Việt thể hiện tinh thần đoàn kết, tinh thần "Uống nước nhớ nguồn". Đó chính là giá trị tốt đẹp của lễ hội, thể hiện đời sống tâm linh, tình cảm của con người Việt Nam, nâng đỡ tinh thần của chúng ta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!