Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3 đã khai mạc tại Hà Nội. Ảnh: VOV
Hội thảo do Quỹ Ấn Độ phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức, với sự tham dự của gần 300 đại biểu, bao gồm các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng, các quan chức cấp cao và học giả từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh mối liên kết giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang ngày càng lớn mạnh. Sự gia tăng giao lưu về kinh tế, chính trị, văn hoá đang là động lực thúc đẩy thế kỷ của châu Á thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu: "Khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đã và đang đón nhận nhiều ý tưởng, sáng kiến và chiến lược về hợp tác rất đa dạng, tiêu biểu như: Thoả thuận đối tác kinh tế khu vực toàn diện giữa ASEAN và 6 nước đối tác; "Chính sách Hành động hướng Đông" của Ấn Độ; "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc; "Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Mở và Tự do" của Mỹ và Nhật Bản. Tôi tin rằng, để có thể đem lại lợi ích lâu dài, các dự án trong khuôn khổ các sáng kiến và chiến lược đó cần được triển khai trên cơ sở đề cao tính tối thượng của luật pháp quốc tế và tính tự quyết của các quốc gia".
Khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương đang đóng vai trò quan trọng về mặt kinh tế, đóng góp 68% tổng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Singapore cho rằng khu vực này vẫn còn nhiều tiềm năng có thể khai thác khi thương mại trên biển vẫn là một ưu thế vượt trội đối với các quốc gia trong khu vực.
Các đại biểu chia sẻ ý kiến cho rằng, khu vực này đang đối mặt với hàng loạt thách thức đến từ các thay đổi trên mọi lĩnh vực nhưng cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững, ổn định và thịnh vượng tại khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN.
Ông Alok Bansal - Giám đốc Quỹ Ấn Độ nói: "ASEAN nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nằm ở ngã tư đường của hai đại dương lớn. Nếu duy trì được sự thông thoáng về hàng hải, ASEAN sẽ là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất".
Ông Johannes Krusemark - Viện Nghiên cứu Max Planck nói: "Chúng tôi luôn muốn triển khai các cơ chế hợp tác dựa trên luật pháp, bao gồm việc thực thi công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Đây sẽ là nền tảng để các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương có thể hợp tác, chia sẻ một cách công bằng và tiếp tục phát triển trên các cơ chế hợp tác đã có".
Theo các đại biểu, để duy trì phát triển thương mại và bền vững tại khu vực, các quốc gia cần duy trì ổn định an ninh để phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế bền vững và tăng cường hợp tác khu vực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!