Tình trạng ô nhiễm không khí đã lên tới mức báo động. Một trong những giải pháp giảm ô nhiễm được thành phố Hà Nội đề xuất là thu hồi phương tiện xe máy đã quá hạn sử dụng. Xe máy đang được cho là một trong những nguồn xả khí thải nghiệm trọng nhất ở Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà Nội hiện có 5,2 triệu xe máy và khoảng 490.000 ô tô, lượng ô tô chỉ bằng 1/10 xe máy. Trong số hàng triệu chiếc xe máy đang lưu hành, có 2,5 triệu chiếc thuộc diện quá hạn sử dụng. Không chỉ vậy, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, xe máy cũ còn ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Do vậy, việc thu hồi xe máy cũ nát là điều cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện chính sách này sẽ không dễ dàng bởi loại phương tiện này cũng là công cụ mưu sinh của nhiều người dân. "Thực ra, xe máy là loại phương tiện giao thông chính tại nhiều địa phương, hiện có khoảng 50 triệu xe máy trên nước. Đây là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân nên có thể nói lợi ích của nó là rất lớn", ông Nguyễn Hữu Trí cho biết.
Bên cạnh đó, một khó khăn khác được ông Nguyễn Hữu Trí đưa ra là nước ta hiện nay chưa có quy định phân loại xe máy. "Đối với quy định phân loại xe, Bộ Giao thông Vận tải đã có quy định phân loại ô tô, thông qua công tác kiểm định kỹ thuật như chất lượng kỹ thuật, an toàn môi trường, tốc độ phát thải chất độc hại... Tuy nhiên, quy định phân loại xe máy lại chưa có", ông Nguyễn Hữu Trí cho biết thêm.
"Việc kiểm định xe máy đã đặt ra từ rất lâu, cách đây 10 năm từng có đề xuất về niên hạn. Nhưng sở dĩ chưa thực hiện được điều này vì tính xã hội của xe máy quá lớn, khi đặt ra vấn đề kiểm định, khả năng số lượng xe không đạt tiêu chuẩn có thể rất lớn, tác động nhiều tới cuộc sống của người dân nên dù có nhiều đề xuất, ý kiến nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về kiểm tra chất lượng. Mặc dù vậy, Chính phủ đã ký quyết định 909 để phê duyệt đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy".
Trước thực trạng trên, để đề xuất thu hồi xe máy quá hạn sử dụng đi vào thực tế, cơ quan chức năng sẽ cần giải quyết nhiều vấn đề, một trong số đó là có công cụ pháp lý để thực hiện.
"Tôi hiểu thu hồi là hạn chế xe cũ không cho ra đường, để làm việc này thì cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tức là hệ thống quy chuẩn để đánh giá chất lượng xe, xem chiếc xe máy đó có thuộc loại cũ nát cần loại bỏ, không cho tham gia giao thông hay không", ông Nguyễn Hữu Trí phân tích. "Chính phủ cũng đã có chỉ đạo giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa. Không phải riêng với sản xuất ô tô xe máy mà cơ sở chế tạo ắc quy, lốp... cũng phải có phương án thu hồi khi người sử dụng không còn nhu cầu nữa", ông Nguyễn Hữu Trí nói.
Không chỉ vấn đề về pháp lý, chính quyền Hà Nội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn để đưa đề xuất thu hồi xe máy quá hạn sử dụng vào thực tế như tạo sinh kế cho những người sống dựa vào chiếc xe máy cũ hay có sự công bằng giữa những phương tiện xe máy cũ với nhau.. Nhưng rõ ràng, việc loại bỏ xe máy quá hạn được không ít người dân tán thành để bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Điều quan trọng để chính sách này đạt hiệu quả là phải có giải pháp đồng bộ và chú trọng tới quyền lợi của người dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!