Tại tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, vận động để mỗi người dân hiểu được những lợi ích thiết thực và lâu dài bảo hiểm xã hội mang lại. Từ đó số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng đã được nâng cao, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số.
1,5 ha đất trồng xen cây cà phê và hồ tiêu chính là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Hyên Ênuôl ở xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Dù làm nông nghiệp, thu nhập hàng tháng không đều nhưng vì thấy được những lợi ích thiết thực và lâu dài nên chị Hyên Ênuôl đã quyết định mua bảo hiểm xã hội tự nguyện.
"Tôi chỉ nghĩ là khi trẻ còn lao động được, đến khi về già không làm được nữa thì có bảo hiểm xã hội giống như có lương hưu", chị Hyên Ênuôl cho hay.
Còn đối với chị Tạ Thị Cẩm Ngọc (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) sau 14 năm đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan, nhưng với lý do sức khỏe không đảm bảo chị phải xin nghỉ việc. Nhờ có kênh bảo hiểm xã hội tự nguyện tại địa phương đã giúp chị có cơ hội đóng tiếp, không gián đoạn quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình.
Chị Ngọc cho biết: "Đóng bảo hiểm xã hội tư nguyện để sau này về già tôi sẽ có một khoản lương cố định".
Trong năm 2018 toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 3.600 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 72% so với năm 2017. Công tác liên kết phát triển hệ thống mạng lưới cũng đã được chú trọng với 200 đại lý với 730 điểm thu và gần 1.800 nhân viên phủ khắp đến từng thôn buôn.
Công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Đắk Lắk đang mang lại những hiệu quả thiết thực góp phần vào vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!