Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 2 người chết, mất tích và 1 người bị thương. Ngày 3/9, một cháu bé 2 tuổi, ở phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, bị nước cuốn trôi, gia đình và các lực lượng đã tìm thấy thi thể lúc 17h cùng ngày.
Nhiều tuyến quốc lộ như quốc lộ 15, 9B, 12 A đã có những điểm ngập lụt khá sâu và đang bị tạm thời chia cắt, đặc biệt trên quốc lộ 9B, một số điểm đã xảy ra sạt lở khiến việc di chuyển khó khăn. Huyện Quảng Ninh có đến hơn 400ha lúa chưa kịp thu hoạch và đang bị ngập lụt.
Trong ảnh: Hơn 400 nhà dân vùng rỗn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: TTXVN
Theo thông tin của Sở GD&ĐT, có đến 35 trường phải tạm dừng khai giảng và con số này có thể sẽ tăng lên. Các đơn vị chức năng đang có những giải pháp đồng bộ để đối phó với tình hình mưa lũ.
Từ tối 3/9 đến sáng 4/9, trên địa bàn các huyện miền núi Quảng Trị có mưa to và rất to. Tại vùng Lao Bảo, Khe Sanh và Đakrông, lượng mưa đo được từ 300-400mm, gây ngập lụt sâu ở một số vùng.
Tại thị trấn Lao Bảo, lực lượng chức năng đã di dời trên 500 hộ dân, trên 2000 khẩu. Hiện tại, có trên 400 ngôi bị nhà ngập sâu trong nước. Do nước lên nhanh nên toàn bộ tài sản của người dân không thể di dời kịp, gây thiệt hại lớn cho người dân. Ngay trong sáng 4/9, tỉnh Quảng Trị đã cử các đoàn đến hỗ trợ người dân tiếp tục di dời và cung cấp nhu yếu phẩm, để người dân ổn định trong lúc di dời.
Thị trấn Lao Bảo bị ngập lũ. Ảnh: TTXVN
Tới thời điểm này, mực nước ở sông Thạch Hãn ở Quảng Trị đang lên mức báo động 3, gây ngập lụt từ 1-2m ở hàng chục hộ dân sống dọc bờ sông và trên 4.000ha lúa bị ngập sâu trong nước.
Mưa lớn những ngày qua cũng đã khiến hàng nghìn ha lúa của nông dân Nghệ An đến kỳ thu hoạch ngập trong biển nước, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng vì ngập úng.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lớn trên diện rộng trong hơn 3 ngày qua đã làm ngập gần 2.000 ha lúa Hè Thu, trên 600 ha hoa màu và gần 300ha nuôi trồng thủy sản ở các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh. Nhiều tuyến kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn bị ngập tiêu thoát nước không kịp.
Dự báo mưa lớn vẫn còn tiếp diễn nên nguy cơ ngập úng cây trồng sẽ tiếp tục tăng. Nhiều tuyến kênh mương nội đồng khó có khả năng phát huy việc tiêu thoát nước. Vì vậy, các địa phương, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo khắc phục sự cố sớm để đảm bảo tiêu úng hiệu quả, hạn chế thiệt hại về sản xuất cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!