Vào mùa khô năm 2019, nền nhiệt ở ĐBSCL có xu thế cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1°C, nhiệt độ cao nhất ở mức 33 - 37°C. Có thời điểm mực nước tại vùng Tây sông Hậu xuống rất thấp, xấp xỉ gần mức thấp nhất trong tháng 1 và 2/2016 (năm ĐBSCL bị khô hạn rất khốc liệt). Xâm nhập mặn đang lấn sâu vào các cửa sông ven biển từ 70 - 80km. Hiện độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là 17,5°/oo. Độ mặn 4°/oo đã vào sâu 40km trên các sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên của tỉnh Bến Tre. Dự báo xâm nhập mặn năm 2019 có nồng độ cao hơn và xâm nhập sâu hơn năm 2018, khả năng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Trong cuộc chiến với hạn mặn, việc chuyển đổi từ lúa sang cây trồng khác là bắt buộc. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, quá trình này diễn ra khá chậm chạp và thiếu tính bền vững. Nguyên nhân là do phần lớn nông dân phải "tự bơi" trong sự bấp bênh của đầu ra nông sản. Trong khi đó, chính quyền và ngành nông nghiệp chưa có khuyến cáo, định hướng cụ thể cho người dân. Chuyển đổi không xong, bà con quay lại trông chờ vào may rủi. Nông dân ở tỉnh Sóc Trăng đã ồ ạt sản xuất hàng chục nghìn ha lúa Xuân Hè bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Không khốc liệt như ở Tây Nguyên nhưng dự báo ĐBSCL cũng sẽ có nguy cơ khô hạn trên diện rộng. Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi quy mô sản xuất tăng mà nguồn nước ở thượng nguồn lại bị thiếu hụt.
Có thể nói, đợt hạn mặn lịch sử vào 3 năm trước vẫn còn ám ảnh người dân miền Tây. Do đó, nhiều bà con tự ý thức thực hiện các biện pháp phòng chống hạn mặn, tiêu biểu nhất là các mô hình sản xuất tiết kiệm nước. Người dân hiểu rõ, đợt hạn mặn lịch sử như năm 2016 có thể chưa quay trở lại nhưng sự chủ quan, lơ là có thể dẫn đến thiệt hại không nhỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!