Tuần qua, cơn bão số 5 đã đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ và gây nhiều thiệt hại cho người dân. Thế nhưng thiệt hại từ cơn bão này lại không thu hút sự quan tâm bằng một nghiên cứu về một thảm họa trong tương lai của các nhà khoa học thuộc tổ chức Climate Central tại Mỹ.
Theo đó, miền Nam Việt Nam, trong đó có TP.HCM, với dân số 20 triệu người có thể bị ngập trong nước biển vào năm 2050.
Theo một số tài liệu thì tốc độ sụt lún của Đồng bằng sông Cửu Long lớn gấp 10 lần dâng của mực nước biển. Chính vì vậy giải pháp là điều mà các nhà khoa học, các chuyên gia về quy hoạch đã nghĩ tới ngay từ bây giờ.
Tuy nhiên theo một số báo cuối tuần, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định thông tin trên là chưa đủ cơ sở khoa học và chỉ dựa trên các giả định cực đoan. Thứ nhất, các tác giả chỉ sử dụng số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh cho toàn cầu. Thứ hai, các giả thiết về mực nước biển dâng kết hợp với triều cường là tình huống cực đoan rất khó xảy ra.
Tuy nhiên, đây cũng là một thông điệp cần quan tâm để khi xây dựng các phương án quy hoạch, chính quyền cần chú ý đến sự sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt do triều cường để đề xuất phương án hợp lý. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, không nên hốt hoảng vì từ ngữ giật gân trên báo chí và để ứng phó thì Việt Nam cần có giải pháp riêng, không nên hấp tấp sao chép mô hình của các quốc gia khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!