Nước lũ nhấn chìm nhà cửa, tài sản của người dân xã Quảng Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Hàng ngàn hecta diện tích lúa đã bị ngập úng. Nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Mưa to kèm theo gió lốc cũng làm tốc mái và sập nhiều nhà dân. Tình trạng sạt lở đang diễn ra tại nhiều đoạn trên sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao.
Theo báo cáo nhanh của Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Cà Mau, sáng 14/9, trên địa bàn thị trấn Năm Căn đã xảy ra mưa lớn kèm lốc xoáy khiến 72 căn nhà bị hư hại, nhiều căn bị sập hoàn toàn. Cột ăng ten của Đài truyền thanh huyện Năm Căn bị lốc quật ngã, khiến hoạt động của đài bị tê liệt hoàn toàn. Ước tính ban đầu, thiệt hại trên địa bàn huyện không dưới 600 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người.
Tại Hậu Giang, mưa lớn kéo dài 3 -4 ngày nay kết hợp triều cường dâng cao đã làm cho diện tích lúa gần thu hoạch thì bị đổ ngã, lúa ở giai đoạn mạ thì chết trắng. Theo khảo sát sơ bộ đã có hơn 500 hecta lúa thu đông bị ngập và hơn 150 ha chết trắng.
Trong khi hậu quả mưa lũ ở Nghệ An và Thanh Hóa còn chưa được khắc phục thì trong ngày hôm qua (14/9), khu vực Quảng Bình đã có mưa to đến rất to khiến nước sông Kiến Giang lên mức 11 mét đạt mức báo động 2. Một số địa phương như: An Thủy, Lộc Thủy, Liên Thủy, Phong Thủy, Xuân Thủy và 1 số tuyến đường trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã bị ngập nước cục bộ.
Trong mùa mưa bão năm nay, toàn huyện Lệ Thủy có hơn 1.800 hộ với gần 10.000 nhân khẩu thuộc diện phải di dời khẩn cấp khi mưa lũ về. Do mực nước trên sông Kiến Giang đang tiếp tục lên nhanh, kèm theo mưa to kéo dài liên tục nên người dân huyện Lệ Thủy, đặc biệt ở các thôn xung yếu thường xuyên bị lũ lụt chia cắt, đã chủ động triển khai công tác phòng chống mưa lũ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, đồng thời cập nhập thông tin về tình hình mưa lũ để thông báo cho nhân dân.