Mặc dù làng mứt bây giờ đã vắng vẻ hơn xưa, tuy nhiên, những người thợ yêu nghề còn bám trụ vẫn ngày ngày cố gắng để củng cố lòng tin cũng như chất lượng của những sản phẩm được ông cha truyền lại.
Vào những ngày giáp Tết, làng mứt Xuân Đỉnh chỉ còn lác đác vài cơ sở sản xuất cũng như đóng gói mứt. Nếu như cách đây khoảng 5 năm, cả làng phải có đến 60-70 hộ sản xuất, thì nay chỉ còn hơn 30 cơ sở trong đó 27 cơ sở làm mứt, 4 cơ sở còn lại chỉ đóng gói. Những người dân trong làng lo ngại, trong tương lai con số này còn có thể giảm nữa. Người dân làng mứt có tiếng một thời nay đang khá thầm lặng với những sản phẩm truyền thống, trong khi với thực tế thị trường mứt tết bên ngoài đang ngày một phong phú, đa dạng.
Chị Bùi Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất mứt Tết Bình Thu cho biết: “Giờ người dân sử dụng nhiều loại bánh kẹo nên sản xuất có giảm đi so với mọi năm…”.
Thế nhưng có một thực tế đáng mừng là, mặc dù những người làm mứt Tết trong làng ngày một ít đi, nhưng chất lượng cũng như sản phẩm mứt truyền thống lại ngày càng được chú trọng hơn. Từ các loại mứt quen thuộc như mứt bí, mứt khoai… giờ họ còn sáng tạo thêm các loại như mứt dứa, mứt atisô. Không chỉ vệ sinh hơn, an toàn hơn, mà còn cho sản lượng nhiều hơn xưa. Có chủ cơ sở còn đóng mã vạch, in bao bì đẹp, đầy đủ thông tin để đưa các sản phẩm vào siêu thị.
Ông Đỗ Mạnh Thế, chủ cơ sở sản xuất mứt truyền thống Đỗ Thế Gia chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi sản xuất được 70 tấn mứt mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu…”.
Mùa sản xuất mứt Tết đã bắt đầu từ tháng 10 âm lịch và nay chuẩn bị kết thúc mang ra thị trường tiêu thụ. Tuy số lượng những người trụ với nghề ngày một ít đi, nhưng những sản phẩm của họ đang ngày càng được người tiêu dùng tín nhiệm, bởi không chỉ chất lượng thơm ngon, mà còn thể hiện giá trị tinh thần của dân tộc.