Tại Ninh Thuận, 21 hồ chứa nước chỉ còn khoảng 20% dung tích, trong đó 15 hồ đã cạn trơ đáy. Còn tại Bình Thuận, hệ thống hồ thủy lợi chỉ còn 27,4 triệu m3, chưa tới 11% dung tích thiết kế. Con số này chỉ bằng 31% so với thời điểm xảy ra hạn hán năm 2016.
Số liệu từ ngành Nông nghiệp hai tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận cho biết, nguồn nước tự nhiên cung cấp cho hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chủ yếu được lấy từ các Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, thủy điện Đại Ninh và Thủy điện Đa Nhim mỗi năm lên đến hàng chục tỉ m3. Riêng tỉnh Bình Thuận chiếm hơn 50% lượng nước xả này.
Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho hay: "Tổng các nguồn nước đến tỉnh Bình Thuận là trên 5 tỉ m3 nước nhưng hiện nay chỉ mới sử dụng được 2 tỉ m3. Bình Thuận chỉ chủ động tưới được 16% diện tích đất nông nghiệp".
Nguồn nước tại Bình Thuận thì có thừa, thuỷ điện xả ra mùa mưa có khi còn gây lụt lội nhưng hồ chứa, kênh dẫn chưa đủ nên không giữ được nước, đến mùa khô sẽ đối mặt hạn hán.
Những năm qua, Ninh Thuận và Bình Thuận cho biết đã dùng hầu hết nguồn lực được hỗ vào việc duy tu bảo dưỡng các hồ thủy lợi, đầu tư hệ thống kênh mương. Nhưng với sự phát triển ngày càng lớn diện tích cây trồng vật nuôi cộng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường, những hồ nước đã không đáp ứng đủ, trong khi những công trình lớn đã và sắp khởi công như Hồ La Ngà 3 dung tích 470 triệu m3, hồ Sông Lũy gần 100 triệu m3 nước... đều đang chậm tiến độ vì thiếu vốn.
Hạ tầng chưa đồng bộ vì thiếu vốn, việc trị thuỷ chống hạn ở Nam Trung Bộ sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!